Thứ 3, 30/04/2024, 22:15[GMT+7]

Nâng cao nhận thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp

Thứ 2, 03/06/2019 | 09:20:58
1,594 lượt xem
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm nay diễn ra từ ngày 1 - 31/5 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ tại Công ty TNHH Maxport Limited.

Phóng viên: Thưa ông, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, ông cho biết kết quả cụ thể về công tác này?

Ông Phạm Quang Hòa: Những năm qua, nhất là từ khi Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành (1/7/2016), công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã có kết quả tích cực, chuyển biến hơn trước. UBND tỉnh đã ban hành chương trình ATVSLĐ của tỉnh đến năm 2020 và một số văn bản chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương, cơ sở tăng cường thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đoàn thể và huyện, thành phố đã có nhiều văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho các nhóm lao động trong doanh nghiệp và lao động không theo hợp đồng lao động trong khu vực phi chính thức; kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ trong doanh nghiệp và hướng dẫn người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các biện pháp phòng ngừa yếu tố nguy hiểm, có hại trong lao động, sản xuất.

Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh triển khai một số văn bản và hướng dẫn về công tác ATVSLĐ cho các cấp, các ngành và các địa phương; tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018; phối hợp kiểm tra công tác ATVSLĐ tại 54 doanh nghiệp; tập huấn ATVSLĐ cho 650 cán bộ cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã; huấn luyện ATVSLĐ cho 1.600 lao động thuộc các nhóm đối tượng lao động trong doanh nghiệp; phối hợp điều tra 14 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người và 1 vụ cháy tại doanh nghiệp; hướng dẫn kiểm định, khai báo, đăng ký sử dụng 346 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh; kiện toàn Ban Chỉ đạo ATVSLĐ cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch hướng dẫn các sở, ngành, huyện, thành phố, doanh nghiệp thực hiện công tác ATVSLĐ và hưởng ứng các hoạt động tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ huấn luyện từ quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tập huấn ATVSLĐ cho 420 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã; huấn luyện ATVSLĐ cho 200 chủ doanh nghiệp và cán bộ làm công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp; hướng dẫn 38 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 126 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; điều tra 2 vụ tai nạn lao động chết người.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Quang Hòa: Những năm qua, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh chưa giảm, tiềm ẩn phức tạp, khó lường (số vụ tai nạn lao động xảy ra trong khu vực trực tiếp sản xuất tăng; tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức chưa được kiểm soát), số vụ tai nạn lao động có từ 2 người chết tăng hơn cùng kỳ... Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn lao động chủ yếu là do người sử dụng lao động, người lao động (nhất là doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, hộ kinh doanh cá thể) chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ (chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ; chưa huấn luyện ATVSLĐ; chưa kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thiếu biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất, thi công...). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhưng việc tổ chức thực hiện chưa đạt được nhiều kết quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan ở tỉnh chưa thường xuyên; chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) chưa quan tâm chỉ đạo doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện; nhiều chủ doanh nghiệp trốn tránh việc kiểm tra của cơ quan nhà nước. Nhìn chung, ý thức trách nhiệm của một số cơ quan, chính quyền địa phương cơ sở, doanh nghiệp và người lao động về công tác ATVSLĐ chưa tốt, việc thực thi pháp luật ATVSLĐ ở một số địa phương, doanh nghiệp chưa nghiêm.

Kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty TNHH may Thiên Tân.

Phóng viên: Để nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp và người lao động về công tác ATVSLĐ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hòa: Thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung chủ yếu vào các nhóm giải pháp:
- Tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã, 6 nhóm đối tượng lao động trong doanh nghiệp và lao động làm việc không theo hợp đồng khu vực phi chính thức (lao động làm nghề tự do).
- Tiếp tục triển khai một số hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động đến các địa phương cũng như các doanh nghiệp, cụ thể là tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng người lao động, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ.
- Hướng dẫn các sở, ngành ở tỉnh, huyện, thành phố và cấp xã thực hiện chức năng phối hợp quản lý nhà nước về ATVSLĐ theo thẩm quyền, phạm vi quản lý; phân định trách nhiệm quản lý đối với các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo thẩm quyền; phân công thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phụ trách công tác ATVSLĐ tại các huyện, thành phố.
- Kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động, sản xuất.

Phóng viên: Hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?

Ông Phạm Quang Hòa: Hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lễ phát động tháng hành động về ATVSLĐ tại tỉnh và các huyện, thành phố; phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác ATVSLĐ; xây dựng, phổ biến các thông điệp, khẩu hiệu, phóng sự, tài liệu... tuyên truyền về Luật An toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho cán bộ quản lý các sở, ngành, đoàn thể; huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng trong doanh nghiệp tập trung vào nhóm lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại. Tổ chức tư vấn, tọa đàm, đối thoại pháp luật về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực, ngành nghề, công trình tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại. Hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở tự kiểm tra tình trạng hoạt động an toàn của các máy móc, thiết bị; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, khám sức khỏe, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường 
(thực hiện)