Thứ 7, 23/11/2024, 18:47[GMT+7]

Dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân

Thứ 5, 08/08/2019 | 09:50:33
1,521 lượt xem
Thái Bình hiện có khoảng 34.000 người nghi nhiễm CĐDC/Điôxin, trong đó có 2.000/4.000 người là nạn nhân gián tiếp còn khả năng lao động.

Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin được tạo việc làm thường xuyên tại Trung tâm.

Thái Bình hiện có khoảng 34.000 người nghi nhiễm CĐDC/Điôxin, trong đó có 2.000/4.000 người là nạn nhân gián tiếp còn khả năng lao động. Nắm bắt được nhu cầu và mong muốn cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân, Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân CĐDC/Điôxin trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh được thành lập năm 2006 từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Ngay từ khi thành lập, Trung tâm đã xây dựng các phòng học, xưởng thực hành, trang bị máy may công nghiệp, dụng cụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bảo đảm tính năng, đáp ứng được yêu cầu đào tạo các nghề: may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ (tranh ghép gỗ, mài đá trang sức, đan móc thủ công). Từ năm 2006 đến nay, tranh thủ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đào tạo nghề cho nạn nhân CĐDC/Điôxin, người khuyết tật, Trung tâm đã mở các lớp dạy nghề may công nghiệp, mỗi lớp từ 20 - 30 người. Đặc biệt, Trung tâm liên kết với các xã: Tây Tiến (Tiền Hải), Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ), Thụy Tân (Thái Thụy) mở 28 lớp học nghề cho 854 người trong đó có 366 người là nạn nhân CĐDC/Điôxin (chủ yếu là nạn nhân gián tiếp), người khuyết tật, còn lại là lao động khác. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Công ty Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (Tiền Hải) mở 17 lớp dạy nghề thủ công cho 592 lao động nông thôn, trong đó có 80 nạn nhân CĐDC/Điôxin. Thực hiện bao tiêu sản phẩm cho 517 lao động với thu nhập trung bình từ 400.000 - 700.000 đồng/người/tháng. Hiện tại, Trung tâm còn phối hợp với Công ty Giấy Thái Bình tổ chức dạy nghề gấp giấy tiền cho 20 nạn nhân CĐDC/Điôxin, hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt cho các nạn nhân này ở nội trú. Công ty Giấy Thái Bình sẽ bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm.

Qua 13 năm duy trì hoạt động, Trung tâm đã giúp nhiều nạn nhân có việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Mặc dù đã có sự quan tâm, chăm sóc và có những hướng đi phù hợp cho các nạn nhân nhưng công tác dạy nghề của Trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Bà Bùi Thị An, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện nay, nguồn kinh phí để Trung tâm duy trì dạy nghề cho các nạn nhân được tỉnh và cộng đồng xã hội hỗ trợ song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các đối tượng được đào tạo, dạy nghề đều có sức khỏe yếu, nhận thức chậm nên năng lực lao động hạn chế. Việc tiếp nhận công việc của các nạn nhân không đồng đều dẫn đến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn. Có người thời gian đào tạo phải kéo dài hơn 1 năm, có người phải đào tạo lại. Số lượng nạn nhân học nghề tại Trung tâm còn ít.

Bà Bùi Thị An cho biết thêm: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực phối hợp với các cấp hội kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh; liên kết với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân CĐDC/Điôxin, người khuyết tật được học nghề, từ đó tự tin hòa nhập cộng đồng.

Việc thu hút nạn nhân đến học nghề tại Trung tâm còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: nguồn lực của Trung tâm hạn hẹp, đa số nạn nhân có tâm lý e dè, tự ti, ngại tiếp xúc với xã hội, việc di chuyển của họ cũng rất vất vả. Tuy nhiên, thấu hiểu nạn nhân CĐDC/Điôxin là “người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”, Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân CĐDC/Điôxin luôn xác định việc dạy nghề cho nạn nhân là nhiệm vụ chiến lược của Trung tâm cũng như của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh.


Thu Hoài

  • Từ khóa