Thứ 7, 18/05/2024, 19:18[GMT+7]

Xây dựng Nông thôn mới tại Thái Nguyên: Ước mong thay đổi cuộc sống

Thứ 5, 10/02/2022 | 14:33:20
576 lượt xem
Trước năm 2017, Làng Ngòi là một trong những xóm khó khăn nhất về giao thông của xã Động Đạt, (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) do đây là khu vực thấp, nhiều ruộng trũng, đất thịt nên hễ có mưa là lầy lội. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền người dân đóng góp công sức, tiền của làm đường bê tông, đến nay, xóm đã bê tông hóa toàn bộ tuyến đường vào xóm.

Xóm vùng cao cuối cùng ở Thái Nguyên có điện lưới quốc gia.

Ông Vy Văn Thái - Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Làng Ngòi, cho biết: Xóm có 86 hộ với 385 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Nùng (chiếm 65% số hộ). Lúc đầu triển khai làm đường, nhiều hộ không đồng tình ủng hộ do phải đóng góp nhiều tiền đối ứng, không muốn hiến đất của gia đình. Tuy nhiên, Chi ủy Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận xóm ra nghị quyết quyết tâm phải làm bằng được đường bê tông. Theo đó, để giảm bớt khó khăn trong việc đối ứng của Nhân dân, xóm đã rà soát các đối tượng cao tuổi, đặc biệt khó khăn để miễn hoặc giảm đóng góp đối ứng (mức đóng bình quân chung từ 2 - 3,5 triệu đ/người, tùy theo từng thời điểm). Mỗi năm làm một đoạn, ưu tiên làm trước các tuyến chính. Các tuyến nhánh thì các hộ hưởng lợi trực tiếp, sử dụng nhiều sẽ đóng góp nhiều hơn. Thấy lợi ích thiết thực nhận thức người dân đã dần thay đổi, nhiệt tình ủng hộ…

Đến nay, Làng Ngòi đã đạt xóm NTM, nhiều năm được công nhận xóm văn hóa, xóm không có tệ nạn xã hội và luôn là một trong những xóm dẫn đầu trong các phong trào thi đua của địa phương.

Theo ông Trần Nho Hưởng - Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên: Thực tiễn ở Làng Ngòi là câu chuyện khá phổ biến tại Thái Nguyên hơn 10 năm nay. Nhờ đó đã đem lại cho địa phương một bộ mặt NTM đầy khởi sắc.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng nơi. Đến nay đã có 80 xã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; 129 xã cắm mốc chỉ giới quy hoạch; 50 xã quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 17 xã quy hoạch chi tiết khu phát triển sản xuất tập trung.

Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thực hiện (161.249 triệu đồng) Thái Nguyên kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác và vận động nguồn lực trong Nhân dân, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được tiếp tục đầu tư xây dựng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, vừa tạo ra sự khang trang, từng bước hiện đại hóa nông thôn. Đến hết tháng 11/2021, toàn tỉnh có 123/137 xã đạt tiêu chí giao thông (89,78%); 136 xã đạt tiêu chí thủy lợi (99,2%); 137 xã đạt tiêu chí điện (100%); 125 xã đạt tiêu chí trường học (91,2%); 119 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (86,8%); 132 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (96,3%); 126 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (91,9%) và 118 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (86,1%). 136 xã đạt tiêu chí giáo dục, y tế (99,2%); 137/137 xã đạt tiêu chí văn hoá (100%); 119 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (86,8%).

Nhìn ở góc độ tổng thể: TP Thái Nguyên, TP Sông Công và TX Phổ Yên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong khi đó, huyện Phú Bình cũng đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt NTM Thái Nguyên ngày càng khởi sắc. 

Thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao: Thái Nguyên có 7 xã đăng ký đạt chuẩn NTM đã được các huyện tổ chức thẩm tra, đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định của tỉnh tiến hành thẩm định, gồm: Xã An Khánh, xã Đức Lương (huyện Đại Từ); xã Trung Lương, xã Kim Phượng, xã Bộc Nhiêu (huyện Định Hoá); xã Yên Ninh (huyện Phú Lương); xã Bình Long (huyện Võ Nhai); Có 8 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao được các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức thẩm tra, đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định của tỉnh tiến hành thẩm định, gồm: Xã Tiên Hội (huyện Đại Từ); xã Tân Đức (huyện Phú Bình); xã Tức Tranh (huyện Phú Lương); xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ); xã Tân Cương, xã Đồng Liên (TP Thái Nguyên); xã Đắc Sơn, xã Đông Cao (TX Phổ Yên). Đến nay toàn tỉnh đã có 56 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu.

Tuy nhiên, qua rà soát Thái Nguyên vẫn còn 28 xã chưa đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó có 6 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí.

Trên tinh thần nhìn thẳng sự thật để có giải pháp hiệu quả, những người làm công tác NTM tại Thái Nguyên đã thẳng thắn thừa nhận việc xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở một số địa phương còn chưa được quan tâm, đặc biệt là việc xây dựng xóm NTM kiểu mẫu (Phú Bình, Định Hóa, Đại Từ). Việc triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, điều chỉnh, bổ sung đồ án quy hoạch chung xây dựng xã NTM còn chậm. Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một số công trình nhanh hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó còn là việc triển khai nhiều nội dung của Chương trình, nhất là việc thực hiện chế độ thông tin tổng hợp báo cáo, xây dựng và đăng ký kế hoạch còn chậm.

Trong định hướng công tác năm 2022, Thái Nguyên xác định mục tiêu có 10 xã đạt chuẩn NTM và 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trở lên; đồng thời tiếp tục nâng cao số tiêu chí và chất lượng tiêu chí ở các xã còn lại.

Theo đó, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu: Thái Nguyên tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 (ngay sau khi được ban hành), nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; phát triển tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, mục tiêu hướng tới xây dựng mô hình NTM phát triển bền vững.

Trong khi đó, với các xã còn lại: Tổ chức rà soát, đánh giá thực chất mức độ đạt các tiêu chí theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 (ngay sau khi được ban hành), xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh... tạo sự chuyển biến rõ nét và bền vững trên từng lĩnh vực, làm tiền đề phấn đấu đạt chuẩn NTM theo lộ trình đề ra.

Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên đề nghị: Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 và các cơ chế, chính sách, hướng dẫn triển khai; quy định thống nhất về bộ máy tổ chức Văn phòng điều phối các cấp để các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cũng đề nghị tăng mức hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM, Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” để Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; đặc biệt là nâng mức hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Một tin vui đến với những người nông dân Thái Nguyên là Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, cũng như cơ chế hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã được thông qua cuối năm 2021, tạo nên luồng gió mới cùng người dân hiện thực hóa mong ước thay đổi cuộc sống nơi vùng quê ngày một tốt đẹp hơn!

Theo baoxaydung.com.vn