Thứ 4, 24/07/2024, 06:20[GMT+7]

Hoài vọng sân đình

Thứ 2, 28/03/2022 | 08:50:43
1,382 lượt xem
Những ngày đầu xuân, trong cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung, làng xã tỉnh ta nói riêng có khá nhiều làng tổ chức lễ hội. Lễ hội là hình ảnh thu nhỏ của làng và thường được tổ chức ở đình, chùa, đền, miếu... theo quy định riêng của từng làng. Thông thường cứ 5 năm làng lại tổ chức một lễ hội chính. Vào năm mở hội chính sẽ tổ chức lễ hội lớn hơn những năm thường. Lễ hội mùa xuân ở các làng quê ở tỉnh ta mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không diễn ra. Trước khi có dịch, hội làng thường được tổ chức trong vòng 3 - 5 ngày.

Đình làng La Vân (làng Miên), xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) - nơi diễn ra lễ hội làng Miên tưởng nhớ Quốc sư Nguyễn Chí Thành và tưởng niệm bà chúa bèo hoa dâu.

Làng La Vân còn gọi là làng Miên, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ nổi tiếng về bèo hoa dâu. Xưa, hàng năm làng mở lễ hội tưởng nhớ Quốc sư triều Lý Nguyễn Chí Thành. Tương truyền Quốc sư là tổ nghề bèo hoa dâu nhưng làng lại có đền thờ bà chúa Bèo với duệ hiệu “Phù Bình đại vương”... Lễ hội làng La Vân (làng Miên) cũng không ngoại lệ, ngày đầu là lễ nhập tịch (mở cửa đình); ngày thứ hai (chính hội) gồm các nghi lễ như: rước ngai kiệu, tế lễ, dâng hương và các trò vui...; ngày thứ ba làm lễ tế dã, hoặc rước lại (kết thúc hội). Trong phần nghi lễ, đoàn rước có thể đông tới ba, bốn trăm người, được phân ra làm nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban đảm nhiệm một trọng trách. Tiểu ban phù giá khiêng ngai kiệu, chiêng, trống, hương án, long đình... Tiểu ban hộ giá đi sau hương án, đồ thờ có cờ hàng báo, cờ ngũ hành và các đồ hộ quốc như trùy đồng, hồng trượng, phủ việt, rồi tiếp theo là tàn lọng uy nghi cùng đội nhạc cổ “lưu thủy” hòa tấu rộn rã.

Tương truyền, Quốc sư Nguyễn Chí Thành là ông tổ bèo dâu, dân gian còn lưu truyền câu chuyện Quốc sư đi qua cánh đồng đầy ắp nước sông, đỏ nặng phù sa. Ngài muốn có loại thảo mộc sống được trên mặt nước ruộng, giúp người nông dân diệt sạch cỏ dại mà đồng đất lại tốt tươi nên đã nhổ “bãi nước bọt” mà “hóa” thành bèo, cánh bèo nhỏ xíu, nhìn kỹ rất giống hoa của cây dâu tằm nên dân gian gọi là bèo hoa dâu. Cũng có truyền ngôn về bà chúa Bèo: Bà chúa Bèo vốn là người con gái hiếu thảo với bậc sinh thành, có nghĩa với dân làng, để cứu lúa đồng không bị cỏ dại bao phủ, cạn kiệt nước dưới nắng hè gay gắt, chết khô cô sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt của thần linh, tiến cúng kỷ vật thiêng liêng của mẹ dành tặng cô lúc còn sống là đôi hoa tai bằng vàng, động lòng trắc ẩn Bụt đã cho cô những cánh bèo nhỏ xíu, thả ra mặt ruộng là sinh sôi, nảy nở, lan tỏa khắp mặt ruộng giữ nước cho đất. Thời chưa có “phân lân, phân đạm”, bèo hoa dâu là nguồn phân hữu cơ tương đương phân trâu, bò giúp người nông dân có năng suất lúa cao. Những nhà nghèo, neo đơn không có điều kiện chăn nuôi được lợn, trâu, bò... vì thế, bèo hoa dâu là cứu cánh cho nhà nông.  Từ xa xưa, người làng La Vân có tục, cứ sau vụ lúa trước là chọn và giữ giống bèo cho vụ lúa sau, người ta thường “nuôi” bèo trong các ao làng, đến vụ lúa thì vớt bèo thả ra đồng.

Lễ hội làng La Vân là lễ hội trình nghề và là địa phương duy nhất còn lễ hội trình nghề “tứ dân”. Hội được tổ chức vào ngày mùng 4 tết hàng năm. Tham gia chính trong hội là 4 người, người đóng thầy đồ (sĩ), người đóng nông dân (nông), người đóng thợ thủ công (công), người đóng thương gia (thương) mỗi người mặc trang phục khác nhau, cầm một thứ vật dụng tượng trưng cho nghề nghiệp của mình, sân chơi là một bãi rộng liền ruộng. Trong trò tứ dân thì trò “nông” là phong phú hơn cả. Ví như trò “công”, vai ông thợ mộc đầu chít khăn lưỡi rìu, áo vạt dài, vạt ngắn, trên vai vác một cây gỗ đặt tại một góc đình rồi làm các động tác xẻ, cưa, đục, đẽo... Trò “nông” thì phải lúc làm thợ cày, lúc hóa trang làm thợ cấy (đàn bà), lúc vạc bờ, cuốc góc, be bờ... Trò diễn kết thúc sau khi 4 nhân vật đã diễn hết trò. Tiếp đến là điệu múa tập thể “kéo chữ”. Đội hình múa “kéo chữ” được xếp thành hai bên tả hữu, mỗi bên 8 hàng, mỗi hàng 10 người. Mỗi bên có tám Tổng cờ với các chức danh tiền nhất, tiền nhị, tiền tam, tiền tứ, hậu nhất, hậu nhì, hậu tam, hậu tứ và cũng phải có tối thiểu 36 quân. 

Phục vụ cho việc chỉ huy, hiệu lệnh gồm 4 cờ sai, 1 tù và, 1 loa, 5 trống, 1 thanh la. Tổng cờ trang phục võ quan, tay cầm cờ súy, tay phải nâng cờ, tay trái giữ đốc cờ. Theo nhịp trống, “cờ sai” tay phải cầm cờ đuôi nheo vẫy theo hình số 8, tay trái chống vào mạng sườn. Các quân trang phục áo dài đỏ thắt lưng vàng, đầu đội nón dấu, chân quấn xà cạp, đi đất, một tay cầm khăn màu, chắp bên sườn, một tay cầm đồ chấp kích hoặc chiêng, lệch, tù và... Nhiệm vụ của Tổng cờ là đi đầu các hàng quân (gọi là dây cờ), ra, vào di chuyển theo hiệu lệnh của người tổng chỉ huy. Nhiệm vụ của bốn “cờ sai” là giữ đúng dây, đúng hàng điều tiết vị trí cho các Tổng cờ và quân di chuyển đứng ngồi theo nét chữ. Khi chuẩn bị múa, đội hình chia thành hai đạo tả hữu. Mỗi đạo thành 4 hàng (bốn dây), đầu hàng là Tổng cờ tiền, cuối hàng là Tổng hậu, giữa là 9 quân. Bốn cờ sai đứng hai bên cạnh mỗi hàng. 

Khi có hiệu lệnh trống, các quân vác đồ chấp kích lên vai, tay trái chống mạng sườn bước theo nhịp trống lưu thủy. Khi Tổng cờ hướng về phía trước, trống cái điểm, 8 thập quân chuyển thành đội hình hình vuông, chạy theo nhịp trống. Đó là lớp múa rải khung môn. Theo hiệu trống, từ lớp rải khung môn, trống thúc dồn, Tổng cờ dẫn quân chạy sắp để chuyển sang lớp bát trình (hay còn gọi là kẻ thập) thành 8 hàng ngang dọc đều nhau, mặt quay về đình, Tổng cờ, Cờ sai và quân hội đưa cờ hoặc đồ tế khí lên ngang trán vái ba vái theo nhịp trống. Kết thúc lớp bát trình. Theo lệnh của Tổng loa, hiệu trống nổi lên các Tổng cờ dẫn quân từ lớp bát trình (8 hàng ngang) chuyển thành đội hình bát môn thành hai hình vuông lồng vào nhau tượng trưng cho hai vòng thành nội ngoại. Bốn cửa chính phía ngoài ở giữa bốn cạnh hình vuông phía ngoài. Bốn cửa trong là các góc của hình vuông bên trong. Tạo thành mỗi cửa là hai Tổng cờ gác chéo cờ (đầu dây này đứng với cuối dây kia thành cửa). 

Theo hiệu lệnh, đội hình chạy sắp để lột bát môn chuyển sang hình hoa hồi. Từ bốn cánh hoa hồi, tổng cờ chạy theo nhịp trống bổ dồn, chiêng trống náo động chuyển thành bốn ốc rồi từ đó chuyển thành ốc đôi, ốc một. Cùng với âm thanh sôi động của trống chiêng, tù và, pháo hoa và đèn trời tỏa rạng trên bầu trời, đây là cao trào của múa kéo chữ. Qua 5 lớp múa khung môn, bát trình, bát môn, hoa hồi, vào ốc (bổ dồn), đội hình lại di chuyển thành hình vuông (khung môn) để chuẩn bị kéo chữ. Theo lệnh của Tổng loa, từ khung môn các Tổng cờ dẫn quân vào các nét chữ theo thứ tự của từng chữ như chữ THÁI và chữ BÌNH (nguyên bản chữ Hán Nôm) các “cờ sai” đứng ở nét chấm vừa để tạo cho nét chữ thêm sắc, thêm rõ vừa để chỉ huy, điều tiết các Tổng cờ cho liền các đầu mối hình thành nét chữ. Khi mỗi chữ được kéo xong, theo hiệu lệnh đội hình lại lột chữ trở về khung môn chuẩn bị tư thế vào nét chữ mới theo dẫn dắt của tổng cờ và chỉ huy của “cờ sai”. Khi chữ cuối cùng kết thúc, chiêng trống vang dậy xen lẫn tiếng hô: “Thái Bình!”, cùng lúc pháo hoa tỏa sáng một vùng trời.

Quang Viện


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày