Thứ 7, 10/08/2024, 10:27[GMT+7]

Tòa án hai cấp Thái Bình xét xử đúng người, đúng tội theo tinh thần cải cách tư pháp

Thứ 5, 31/12/2015 | 09:32:04
1,536 lượt xem
Công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã được các cấp ủy đảng, các cơ quan, đoàn thể thực hiện với quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả. Chất lượng hoạt động tư pháp, đặc biệt là hoạt động của ngành Tòa án được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ðể làm rõ những kết quả đạt được trong công tác cải cách tư pháp 5 năm qua (2011 - 2015), phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Thịnh, Tỉnh ủy viên, Chánh á

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy tổ chức phiên tòa xét xử lưu động nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Ảnh: Lê Lan (Đài Truyền thanh Thái Thụy)

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, để làm tốt công tác cải cách tư pháp (CCTP), những năm qua, tòa án nhân dân hai cấp Thái Bình đã triển khai thực hiện như thế nào?

 

Đồng chí Phạm Văn Thịnh: Căn cứ chương trình thực hiện CCTP của Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 49 giai đoạn 2011 - 2015, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã chỉ đạo Đảng bộ TAND tỉnh, các chi bộ trực thuộc, TAND các huyện, thành phố tăng cường lãnh đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49. TAND tỉnh phân công các đồng chí ủy viên thẩm phán phụ trách công tác xét xử thường xuyên nắm bắt tình hình, giúp tòa án cấp huyện giải quyết vướng mắc đối với những vụ án phức tạp. Lãnh đạo TAND tỉnh trực tiếp dự các phiên tòa điểm để đánh giá chất lượng xét xử, qua đó rút kinh nghiệm chung trong công tác xét xử của toàn ngành.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật trong công tác CCTP thời gian qua?

 

Đồng chí Phạm Văn Thịnh: Chương trình thực hiện CCTP giai đoạn 2011 - 2015 của TAND tỉnh đã đề ra các mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức pháp lý toàn diện, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; xét xử phải bảo đảm đúng pháp luật, phục vụ đắc lực và kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Với tinh thần đó, từ năm 2011 đến năm 2015, tòa án hai cấp Thái Bình đã giải quyết, xét xử 13.575/14.003 vụ, việc, đạt 96,9%. Án hình sự xét xử 4.411 vụ, 7.182 bị cáo/4.491 vụ, 7.320 bị cáo, đạt 98,2%; trong đó, xét xử sơ thẩm 3.789 vụ, 6.275 bị cáo; xét xử hình sự phúc thẩm 622 vụ, 907 bị cáo. Án dân sự thụ lý, giải quyết 1.486/1.554 vụ, việc, đạt 95,6%; cấp sơ thẩm xét xử 1.379 vụ, việc; cấp phúc thẩm xét xử được 107 vụ, việc. Án hôn nhân và gia đình thụ lý, giải quyết 7.415/7.661 vụ, việc, đạt 96,7%; cấp sơ thẩm giải quyết, xét xử 7.257 vụ, việc; cấp phúc thẩm giải quyết, xét xử được 158 vụ, việc. Án lao động, hành chính, kinh doanh thương mại thụ lý, giải quyết 263/295 vụ, việc, đạt 89%. Chất lượng công tác xét xử từng bước được nâng lên, đã khắc phục tình trạng xử oan sai, tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Tính dân chủ trong hoạt động xét xử được bảo đảm, công tác xét xử góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo vệ công lý, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với hoạt động của tòa án.

 

Đối với công tác thi hành án hình sự, đã ra quyết định thi hành án 4.959 bị án, trong đó đã thi hành 4.902 bị án, hoãn thi hành án 28, truy nã 17, đang làm thủ tục để đưa đi thi hành án 12 trường hợp. Tổ chức xét miễn giảm hình phạt tù cho 236 đối tượng, trong đó 62 đối tượng được giảm hết thời hạn tù còn lại, 174 đối tượng giảm một phần hình phạt tù. Việc ra quyết định thi hành án hình sự và ủy thác thi hành án hình sự được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự. Tất cả các trường hợp hoãn và tạm đình chỉ thi hành án cơ bản đều bảo đảm về thủ tục, đủ điều kiện.

 

Công tác giám đốc kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai thực hiện nghiêm túc, đã tiến hành kiểm tra 10.065 hồ sơ các loại án của TAND cấp huyện, thành phố không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật. Các tòa án đã tổ chức thực hiện nghiêm túc nội quy, trong việc tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn thư liên quan đến hoạt động xét xử. Trong 5 năm qua, TAND tỉnh đã xem xét, xử lý, giải quyết 233/235 đơn kiến nghị, đề nghị, khiếu nại với nội dung đơn chủ yếu khiếu nại, kiến nghị đối với các bản án phúc thẩm dân sự, hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền. Thông qua công tác tiếp dân, tòa án các cấp đã làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích pháp luật, không để xảy ra trường hợp khiếu nại kéo dài, bức xúc.

 

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp, TAND hai cấp Thái Bình đã thành lập bộ phận một cửa tại TAND tỉnh và tòa án các huyện, thành phố để thực hiện các thủ tục hành chính - tư pháp, qua đó tạo thuận lợi cho người dân đến liên hệ công việc như giao, nhận, cấp, tống đạt các văn bản tố tụng, tài liệu, hồ sơ giữa tòa án với các tổ chức và người dân; theo dõi và quản lý tất cả các loại số án, quyết định; lưu trữ các loại án, quyết định, trích lục và chuyển lưu kho thường xuyên các hồ sơ đã có hiệu lực pháp luật.

 

Phóng viên: Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả công tác CCTP, ngành Tòa án sẽ triển khai biện pháp gì?

 

Đồng chí Phạm Văn Thịnh: Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác CCTP giai đoạn 2015 - 2020, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt công tác xét xử, không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, kiên quyết không làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, đường lối xét xử công minh, khách quan, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự theo đúng pháp luật, không có án quá hạn luật định.

 

Triển khai đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, tập trung làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và tăng cường đối thoại trong công tác giải quyết các vụ án hành chính. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ thẩm phán, thư ký; thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ. Thực hiện tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn ngành. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và hội thẩm nhân dân trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu CCTP trong tình hình mới theo hướng dẫn của TAND Tối cao, bảo đảm vị trí trung tâm của tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của tòa án.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Nguyễn Tùng

(thực hiện)

  • Từ khóa