Thứ 2, 20/05/2024, 10:03[GMT+7]

Hỏi đáp về phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ 2, 04/07/2022 | 08:36:14
3,932 lượt xem

Câu 12: Do nghi ngờ vợ ngoại tình với một đồng nghiệp ở cơ quan, trong những lần hai vợ chồng cãi nhau, anh A thường nói to cho bà con xung quanh nghe thấy. Không chịu nổi cách hành xử của chồng, vợ anh đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ sống ly thân, anh A còn viết thư nặc danh gửi đến cơ quan vợ, photo, phát tán thư ở khu dân cư nơi vợ chồng anh cư trú nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của chị. Hành vi nêu trên của anh A có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Hành vi đó sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời:

Hành vi nói xấu vợ với những người xung quanh, phát tờ rơi nói xấu bôi nhọ danh dự vợ của anh A là hành vi cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 quy định về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c, khoản 2 Điều này.”

Vậy, trong trường hợp nêu trên anh A sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời buộc xin lỗi công khai vợ và buộc thu hồi những tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh... đã phát tán với mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ.

Câu 13: Sau khi ly hôn, chị H được quyền nuôi 2 con nhỏ, còn anh T phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho các con theo quyết định của tòa án. Tuy nhiên, nhiều tháng qua anh T không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mặc dù chị H đã nhiều lần yêu cầu. Vậy hành vi của anh T có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không? Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về việc vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.
Vậy, việc anh Anh T không chịu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con theo quyết định của tòa án là hành vi bạo lực gia đình. Hành vi này bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo phán quyết của tòa án.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày