Chủ nhật, 24/11/2024, 10:21[GMT+7]

Dân hiến “tấc vàng” Kỳ 2: Niềm tin theo Đảng

Thứ 3, 11/10/2022 | 06:44:40
7,623 lượt xem
Giải phóng mặt bằng (GPMB) vốn là công việc khó, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, khó lường. Do đó, cần kiên trì, khéo léo, nhất là phải phát huy vai trò tiên phong đi đầu của đảng viên để dân tin Đảng, làm theo Đảng. Vận dụng cách làm này, nhiều địa phương trong tỉnh đã nhận được sự đồng thuận của người dân trong GPMB, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thi công hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Hết việc chứ không hết giờ
Ít có dự án mà tốc độ GPMB lại nhanh và nhận được sự đồng thuận cao của người dân như dự án khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái (Thái Thụy). Chỉ sau hơn 1 năm đã cơ bản hoàn thành bàn giao gần 600ha phục vụ phát triển KCN. Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình tháng 5/2022, sau khi khảo sát thực tế Khu kinh tế Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao đồng thời cho rằng công tác GPMB KCN Liên Hà Thái cần phải được tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng ra các dự án khác.

Bằng cách nào huyện Thái Thụy nhận được sự đồng thuận cao của người dân? Bởi, người dân không chỉ bàn giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp mà ngay cả phần đất nghĩa trang - nơi yên nghỉ của tổ tiên họ hàng trăm năm nay cũng được di dời đến nơi mới. Để hiểu rõ hơn cách làm của huyện Thái Thụy, chúng tôi đã về xã Thụy Liên, nơi “ý Đảng hòa chung lòng dân”.

Câu chuyện đền bù GPMB, tái định cư cho người sống đã khó nhưng đối với xã Thụy Liên lại càng khó khăn hơn nhiều khi phải giải quyết việc di dời, “tái định cư” cho người đã khuất. “Không đồng ý, không làm, không nghe” - đó là câu trả lời của nhiều người dân khi xã bắt tay vào việc tuyên truyền, vận động họ di chuyển mộ, di dời nghĩa trang. Vì đây là công việc động chạm đến yếu tố tâm linh, đến tập tục, đến văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tác động đến tâm lý, tư tưởng của từng hộ gia đình và cả dòng họ.

Khó là vậy song chỉ sau 1 tháng, xã Thụy Liên đã hoàn thành việc di chuyển trên 600 ngôi mộ có chủ, gần 1.000 ngôi mộ vô danh, nhiều ngôi mộ có niên đại gần 300 năm ở 3 nghĩa trang và hàng chục gò mả để quy tập về nghĩa trang tập trung. Tại sao nhân dân lại thay đổi tư duy, suy nghĩ, đồng thuận nhanh như vậy? Bà Đặng Thị Diệu Thúy, Bí thư Chi bộ thôn Đoài Nghĩa, xã Thụy Liên chia sẻ: Khi có chủ trương di chuyển các phần mộ khu nghĩa trang Con Chép lên chỗ mới để phục vụ GPMB KCN Liên Hà Thái lúc đầu vô cùng khó khăn, nhân dân không đồng ý. Sau khi họp Chi ủy, Chi bộ mở rộng tới tất cả các ban, ngành, đoàn thể và tuyên truyền các đồng chí đảng viên tiếp tục vận động con cháu, người thân trong gia đình, dòng họ, các thành viên Chi ủy, Ban công tác mặt trận thôn chia nhóm nhỏ đến từng nhà vận động, không kể ngày đêm. Có khi gặp ngay giữa đường cũng vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, thấu hiểu sự chân tình của cán bộ, đặc biệt là thấy rõ được chủ trương của Đảng, Nhà nước khi di chuyển các ngôi mộ từ nơi cũ úng trũng, đường sá đi lại khó khăn đến nơi mới với khu đất sạch, thuận lợi đi lại, hạ tầng được đầu tư đồng bộ nên đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân. Chỉ sau 7 ngày tuyên truyền, vận động, thôn Đoài Nghĩa đã hoàn thành di chuyển hơn 200 ngôi mộ ra khu nghĩa trang mới.

Khi được hỏi vì sao ông cũng như bà con nhân dân đồng thuận di chuyển phần mộ, ông Giang Văn Long, thôn Đoài Nghĩa, xã Thụy Liên cho biết: Chuyện mộ phần là lĩnh vực tâm linh không chỉ của gia đình mà còn của cả họ tộc. Nên để người dân chúng tôi đồng thuận ngay thì chưa nhưng khi các đồng chí lãnh đạo xã, đặc biệt là cơ sở thôn ngày đêm đến với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Khi người dân đã hiểu, đã thông, thấy việc làm của Đảng, Nhà nước là hợp tình, hợp lý nên nhân dân đồng thuận rất nhanh. Chúng tôi rất mừng là từ khi chuyển các cụ ra nơi mới, gần 1 năm nay chưa có gia đình nào trong thôn phản ánh vấn đề gì liên quan đến mộ phần, tâm linh.

Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Với diện tích và khối lượng công việc GPMB rất lớn, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương. Hàng tuần, UBND huyện đều tổ chức họp đánh giá kết quả, tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời bàn giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm đúng tiến độ GPMB theo kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Liên, một trong những thành công trong công tác GPMB tại địa phương phải kể đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đi sâu, đi sát của các đồng chí Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện. UBND huyện đã thành lập các tổ công tác phụ trách tới từng thôn, có đơn vị thôn khó khăn nhất thì đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy trực tiếp làm tổ trưởng. Hơn 1 năm qua, cán bộ xã Thụy Liên cũng như các tổ công tác, các phòng, ban, ngành của huyện không có thứ bảy, chủ nhật, không có nghỉ lễ; họp đêm, làm ngày, làm xong việc này chuyển sang việc khác, xong thôn này chuyển thôn khác, chưa xong chưa nghỉ.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Những năm gần đây, huyện Tiền Hải đã tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng giao thông với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chức năng, sự đồng thuận của người dân trong công tác GPMB và việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã cho “quả ngọt”.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A có chiều dài 17,8km, từ ngã tư Trái Diêm đến khu du lịch Cồn Vành đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Để có được tuyến đường đẹp, khang trang, hiện đại là sự đồng thuận trong công tác GPMB của mỗi người dân nơi tuyến đường đi qua. 

Ông Trương Văn Chỉ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: Tuyến đường 221A qua địa bàn xã có 130 hộ phải GPMB, trong đó 90% là hộ theo đạo Thiên chúa. Để sớm có mặt bằng sạch, việc nắm bắt tình hình, tư tưởng, nguyện vọng của người dân phải đi trước một bước. Xã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy trực tiếp tới từng thôn kịp thời nắm bắt tình hình dư luận, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ các linh mục để các các linh mục rao giảng vào những tuần của bà con giáo dân đi lễ về lợi ích mà tuyến đường mang lại cho đời sống của nhân dân. Đồng thời, vận động đảng viên gương mẫu đi đầu trong công tác GPMB từ những ngày đầu kiểm đếm, nhận phương án bồi thường và đất tái định cư, bàn giao mặt bằng để nhân dân thực sự tin tưởng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Với sự chủ động vào cuộc, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà nên dù chưa có phương án đền bù, GPMB đối với đất ở, chưa được nhận tiền đền bù nhưng các gia đình rất đồng thuận tạo điều kiện cho đơn vị thi công để tuyến đường sớm hoàn thành. 

Bà Trần Thị Yên, Bí thư Chi bộ thôn Việt Hùng, xã Nam Trung bộc bạch: Bản thân là một đảng viên có đạo, chúng tôi thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, vì vậy Chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục từng hộ dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa “ý Đảng và lòng dân”. Dù chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ GPMB nhưng nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình đã xây dựng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đối với bà Cao Thị Bông, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quang Lịch (Kiến Xương), những ngày tham gia cùng cấp ủy, chính quyền huyện Kiến Xương tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất GPMB đường 219 đã để lại trong bà nhiều cảm xúc, tình cảm của chính người dân quê hương - nơi bà đang sinh sống. Tuyến đường qua địa bàn xã dài 5km, 139 gia đình có đất ở bị ảnh hưởng bởi việc nâng cấp đường. Để người dân hiểu, sớm đồng thuận hiến đất làm đường, hàng ngày cán bộ xã, thôn chia nhau đến từng hộ còn vướng mắc để lắng nghe, vận động, tuyên truyền, giải thích. “Mưa dầm thấm lâu”, 100% hộ dân đã đồng thuận và ký vào đơn xin hiến đất làm đường. 

Đặc biệt, gia đình đảng viên Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Tả Phụ, xã Hồng Thái còn tự nguyện phá dỡ nhà cửa, các công trình và hiến 27m2 đất ở với trị giá trên 400 triệu đồng để mở rộng đường ĐT.457. 

Chia sẻ về việc làm này, đảng viên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Ngôi nhà cổ có tuổi thọ hơn 100 năm của gia đình là nơi thờ cúng tổ tiên, trong đó có mẹ Việt Nam anh hùng và 2 liệt sĩ nên gia đình tôi rất băn khoăn, trăn trở. Nhưng để mở rộng con đường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như ghi nhận sự tận tâm, tận tình vì công việc chung của các đồng chí cán bộ xã, thôn nhiều lần tới nhà động viên, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của gia đình, chúng tôi tự nguyện phá dỡ nhà cửa, cổng dậu, bàn giao mặt bằng để dự án được thi công đúng tiến độ.

(còn nữa)
Nhóm phóng viên


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày