Thứ 3, 30/04/2024, 21:09[GMT+7]

Thái Thụy: Ngành thủy sản vượt khó

Thứ 7, 31/12/2022 | 18:45:57
15,345 lượt xem
Năm 2022 là năm đầy khó khăn đối với ngành thủy sản của tỉnh nói chung, huyện Thái Thụy nói riêng khi giá nhiên liệu, vật tư, nhân công có thời điểm tăng cao, ngư trường ngày càng cạn kiệt... Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của các ngành, địa phương ven biển và của cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp, ngành thủy sản của huyện Thái Thụy đã có bước tăng trưởng khá.

Cập bến cá Vĩnh Trà, thị trấn Diêm Điền sau khi kết thúc chuyến biển, ngư dân Nguyễn Văn Công, chủ tàu TB-91107 TS cho biết: Trước đây, sau mỗi chuyến biển ngư dân thường lãi từ 20 - 30% nên nghề cá cũng giúp các ngư dân có thu nhập khá cao. Những tháng đầu năm 2022, do chi phí xăng dầu tăng cao, ngư trường ngày càng cạn kiệt trong khi đó giá thủy sản lại giảm nên nhiều chuyến đi biển bị lỗ, một số chuyến đi có lãi song cũng chỉ ở mức dưới 10%. Tàu khai thác nằm bến kéo theo hàng loạt ngành nghề trên bờ như buôn bán thủy sản, làm cá khô, dịch vụ hậu cần nghề biển... cũng ế ẩm theo. Chưa kể nhiều ngư dân còn phải gánh chịu những khó khăn kép, đó là những chủ nhân của “tàu 67” vốn chưa thoát khỏi nợ nần nay phải chịu thêm những khó khăn chồng chất.

Không chỉ có ngành khai thác, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) của huyện Thái Thụy cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thời tiết diễn biến bất thường, giá cả vật tư nông nghiệp ở mức rất cao, một số dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên thủy sản, đặc biệt đã xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Cụ thể, đầu tháng 9/2022, hàng trăm héc-ta ngao nuôi tại khu vực bãi triều ven biển hai xã Thái Đô và Thái Thượng chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với người nuôi. Những khó khăn trên cho thấy ngành thủy sản của huyện vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến nghề NTTS trên địa bàn huyện.

Huyện Thái Thụy hiện có số lượng tàu khai thác thủy sản lớn nhất tỉnh với 463 phương tiện, tổng công suất 98.859CV. Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bà con ngư dân vẫn kiên trì bám biển và thay đổi mô hình tổ chức đánh bắt để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. 

Ngư dân Nguyễn Văn Công cho biết thêm: Trong bối cảnh khó khăn, các chủ tàu cá phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, đánh bắt hiệu quả nhằm bù lại phần chi phí nhiên liệu tăng cao. Hiện nay, khi thời tiết và giá nhiên liệu ổn định, ngư dân lại bước vào khai thác vụ cá Bắc năm 2022 - 2023. Sau mỗi chuyến vươn khơi, nhiều tàu đã khai thác được vài tấn cá các loại, giá thu mua thủy sản ổn định nên trừ chi phí cũng thu vài chục triệu đồng. Bà con ngư dân đang động viên nhau tranh thủ tăng chuyến, tận dụng thời tiết ổn định để khai thác thủy sản.

Ông Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền cho biết: Thị trấn có thế mạnh về khai thác thủy sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá với hơn 150 phương tiện khai thác thủy sản. Ðây là hoạt động kinh tế chính, đem lại nguồn thu chủ yếu cho địa phương. Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn song sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn thị trấn ước đạt gần 30.000 tấn, cao hơn năm 2021. Năm 2023, thị trấn tiếp tục duy trì ổn định số lượng tàu thuyền và nâng cao sản lượng khai thác, đồng thời tập trung vào khâu chế biến để nâng cao giá trị thủy sản khai thác được.

Cùng với sự vượt khó của bà con ngư dân, các hộ NTTS tại các địa phương trong huyện đã nỗ lực duy trì diện tích nuôi thả. Trong đó, nhiều hộ nuôi trồng tại các địa phương ven biển đã đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả, thu nhập cao trên một đơn vị diện tích đầm nuôi. 

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Năm 2022, toàn huyện duy trì NTTS với tổng diện tích đạt hơn 4.200ha, trong đó nước mặn 1.300ha, nước lợ gần 1.400ha, nước ngọt hơn 1.500ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 120ha nuôi tôm công nghệ cao, tăng 20ha so với năm ngoái. Việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã giúp doanh nghiệp và người nuôi tôm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Thái Thụy, tuy là một năm khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, của bà con ngư dân và doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ, khuyến khích của nhà nước nên ngành thủy sản của huyện vẫn duy trì đà tăng trưởng khá. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn huyện năm 2022 ước đạt hơn 123.000 tấn, đạt giá trị 2.105 tỷ đồng, tăng trưởng 5,8% so với năm 2021. 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Những năm gần đây, kinh tế thủy sản của huyện luôn duy trì mức tăng trưởng khá, hàng năm chiếm gần 40% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương ven biển cùng với cộng đồng ngư dân trong việc thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ và NTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Năm 2023, Thái Thụy phấn đấu sản lượng ngành thủy sản đạt trên 160.000 tấn với giá trị ước đạt 2.250 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện, có cơ chế khuyến khích để ngư dân phát triển các đội tàu cá khai thác xa bờ, hiện đại hóa đội tàu cá để mở rộng ngư trường và nâng cao hiệu quả khai thác; khuyến khích các dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; tiếp tục tuyên truyền về IUU để ngư dân hiểu và thực hiện tốt. Ngoài ra, huyện tập trung chỉ đạo công tác NTTS tại các vùng chuyển đổi, vùng ven sông, ven biển; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và chỉ đạo NTTS tại các địa phương theo hướng công nghiệp công nghệ cao…

Trần Tuấn