Thứ 4, 24/07/2024, 00:20[GMT+7]

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2023: Tái hiện truyền thống "Dĩ nông vi bản"

Thứ 7, 28/01/2023 | 15:43:03
1,063 lượt xem
Sáng 28/1 (tức Mùng 7 tháng Giêng), tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023.

Tái hiện cảnh nhà Vua xuống đồng cày ruộng đầu năm mới tại lễ hội.

Theo sử sách, Lễ hội Tịch điền bắt nguồn từ khi vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987). Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện trang trọng, thành kính.

Theo thời gian, Lễ hội Tịch điền bị mai một dần và được khôi phục lại vào năm 2009 với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Lễ hội đã tái hiện truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn nhằm khơi dậy tình cảm gắn bó, tình yêu lao động của người dân với mảnh đất quê hương và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Phần lễ Tịch điền có các nghi thức: rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi. Đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp. Tiếp đó là lễ bái yết Thần nông, cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Đặc biệt, nghi lễ cày tịch điền đã tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong, các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày. 

Ngoài các nghi lễ được tổ chức thành kính, trang trọng, trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: vật cổ truyền, biểu diễn trống của đội trống thôn Đọi Tam, vẽ trang trí trâu... 

Thời xưa, vua Lê Đại Hành là vị vua khởi xướng việc cầm cày xuống ruộng trong lễ hạ điền đầu năm. Từ đó, lễ được coi như Quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp - "Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ". 

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày