Chủ nhật, 30/06/2024, 03:16[GMT+7]

Thành phố: Thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ 6, 24/03/2023 | 20:44:44
1,485 lượt xem
Xác định chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thành phố Thái Bình nỗ lực triển khai đồng bộ chương trình chuyển đổi số.

Tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Thị Thu Phương, với mong muốn để người dân được thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, UBND thành phố đã và đang tập trung cao chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực. Đây là bước quan trọng để thành phố xây dựng đô thị thông minh.

Trong quá trình triển khai, thành phố đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), 100% phòng, ban, đơn vị, địa phương sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh với tốc độ cao, bảo đảm an toàn, bảo mật. Chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban, đơn vị triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính; tuyên truyền nhân dân đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích; giao chỉ tiêu phát sinh hồ sơ mức độ 3, 4 đến các phòng, đơn vị. Đến nay, 100% phường, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn; đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tập huấn CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị, phường, xã, các thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng.

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, các tổ công nghệ số cộng đồng ở các phường, xã đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền đưa CĐS đến gần với người dân bằng nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị, tuyên truyền trong các cuộc họp tổ dân phố và trên loa phát thanh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng các tiện ích, ứng dụng thông minh, hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số... Tổ chức tuyên truyền lưu động về nội dung CĐS và thanh toán không dùng tiền mặt trên các tuyến phố, các khu dân cư trên địa bàn; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người dân tham gia cài đặt sử dụng, chia sẻ các kênh truyền thông trên zalo: “Chuyển đổi số quốc gia”, “Công dân số Thái Bình”, “Chính quyền số Thái Bình”, “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp”...

Ông Vũ Tuấn Long, Chủ tịch UBND phường Kỳ Bá cho biết: Đảng ủy, UBND phường quyết tâm triển khai CĐS bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tái cấu trúc các hệ thống quản lý, điều hành. Mục tiêu của chương trình đặt ra là ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng đô thị thông minh, hướng đến phát triển kinh tế số gắn với văn minh thương mại. Trên cơ sở đó, phường tập trung đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ công cuộc CĐS như trang bị máy kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh và mạng internet tốc độ cao; 100% cán bộ của phường thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Đến nay, 100% văn bản đến, đi có ký số (trừ văn bản mật) được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản. Do đó, phường đã thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản trong hệ thống.

Cũng như nhiều ngành khác trên địa bàn thành phố Thái Bình, trước xu thế tất yếu của CĐS, ngành giáo dục thành phố đã và đang có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy CĐS. Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Với mục tiêu ứng dụng CNTT và CĐS toàn ngành làm cơ sở đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn thành phố, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, đến nay 100% trường học đã bắt tay vào thực hiện CĐS. Cô giáo Đặng Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Bá cho biết: Hiện tại, Trường đã có hệ thống máy tính tương đối đủ cho học sinh tương tác, hạ tầng internet tốt. Các giáo viên sử dụng thành thạo văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ theo dõi đánh giá học sinh điện tử, giáo án điện tử. Các phụ huynh cũng đã quan tâm hơn đến việc ứng dụng CNTT để có thể phối hợp thật tốt với các giáo viên, tạo ra những tương tác trong không gian mạng để có thể quản lý việc học tập của con em mình được tốt hơn. Đây là những điều kiện thuận lợi để thực hiện việc ứng dụng CNTT và CĐS trong nhà trường.

Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, điều hành, tác nghiệp trong quá trình tiếp nhận, theo dõi và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính; ưu tiên CĐS để mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý nhà nước, trong phát triển ngành, lĩnh vực và đời sống kinh tế - xã hội.

Nhân viên Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả thành phố hướng dẫn người dân làm thủ tục.


Minh Nguyệt