Thứ 6, 03/05/2024, 21:32[GMT+7]

Kiến Xương: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 5, 25/01/2024 | 08:25:18
1,043 lượt xem
Với sự phát triển mạnh mẽ, khoa học công nghệ (KHCN) đang ngày càng đến gần hơn với nông dân, tạo nên những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Từ phương thức canh tác truyền thống, nhiều nông dân ở Kiến Xương đã ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của bà Đoàn Thị Huệ, xã Bình Định (Kiến Xương) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Kiến Xương xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Điển hình như gia đình bà Đoàn Thị Huệ, thôn Sơn Trung, xã Bình Định mạnh dạn đầu tư 1.500m2 nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trồng dưa lưới, dưa lê.

Bà Huệ cho biết: Năm 2021, gia đình tôi đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng 2 khu nhà màng với tổng diện tích 1.500m2, trồng gần 5.000 gốc dưa. Vụ đầu tiên vừa làm vừa học hỏi nên năng suất chưa cao, nhưng vụ dưa thứ hai rất thành công. Gần 5.000 gốc dưa tôi thu được trên 10 tấn quả. Với giá bán tại vườn đạt từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi vụ tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Trồng dưa ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng giúp cho cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ít sâu bệnh hại, tiết kiệm công lao động hơn rất nhiều so với cách canh tác truyền thống hiện nay, nhưng phải thực hiện rất cẩn thận ở tất cả các khâu như ươm hạt, làm đất, kiểm tra chất lượng nước tưới, phân bón, điều khiển hệ thống tưới, thụ phấn, tuyển trái... Mỗi năm tôi trồng từ 3 - 4 vụ dưa.

Để khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện nông nghiệp, phát huy truyền thống thâm canh lúa, huyện Kiến Xương xác định mục tiêu đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh, tạo sức bật và đem lại sự đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Thời gian qua, huyện đã thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp với mục tiêu tập trung phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ kết hợp khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, từ đó xây dựng thương hiệu gạo của các địa phương, đó là: mô hình lúa - cáy xã Bình Thanh, mô hình lúa - rươi xã Hồng Tiến; mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại xã Bình Định, Tây Sơn; mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ tưới tự động trồng dưa lưới trong nhà màng ở các xã Vũ Lễ, Thanh Tân, Bình Định, Bình Thanh, Vũ Hòa; mô hình sản xuất rau má thủy canh trong nhà màng xã Hòa Bình... Lúa gạo sản xuất theo hướng hữu cơ được quy vùng, quản lý tốt tất cả các khâu trong sản xuất từ gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch và sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Sản phẩm gạo từ quy trình sản xuất này được xây dựng thương hiệu riêng, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì bắt mắt, có đầy đủ thông tin, mã QR trên vỏ bao, thuận tiện cho người tiêu dùng nắm được nguồn gốc sản phẩm, cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm như gạo Chợ Gốc, gạo nếp truyền thống Vũ Tây, gạo rươi Hồng Tiến, mắm cáy Hồng Tiến, rượu đinh lăng Hồng Tiến. 

Các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi trên website, đăng ký sàn thương mại điện tử để tăng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, giúp tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo. Toàn huyện có 1.115 máy làm đất, 439 máy cấy, 181 máy gặt đập liên hợp và 24 thiết bị sấy; hiện đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, điều tiết nước, 98% khâu thu hoạch, 37,5% khâu gieo cấy, 10% khâu bảo vệ thực vật với hơn 1.000ha cây trồng ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, 5% khâu sấy. Xã Bình Thanh, Bình Định đã sử dụng phần mềm quản lý số hóa đồng ruộng. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh cho biết: Từ diện tích 30ha năm 2022, đến nay chúng tôi đã xây dựng vùng sản xuất lúa giống tập trung với diện tích 120ha xóa bỏ bờ ngăn, từ đó tăng diện tích sản xuất, giảm sự gây hại của chuột, cỏ, thuận tiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất từ đó giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.

Trong chăn nuôi, nhiều trang trại ứng dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, bán tự động; hệ thống camera theo dõi vật nuôi được kết nối internet và điều khiển thông qua điện thoại thông minh. Nuôi trồng thủy sản có mô hình nuôi cá trong ao bán nổi ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý môi trường, sử dụng máy cho ăn tự động... ở các xã Bình Định, Vũ Bình, Vũ Hòa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả bền vững, lâu dài, yếu tố quan trọng và quyết định sự thành bại đó là người dân tin tưởng và làm theom do đó huyện chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư các cơ sở sản xuất, mô hình kinh tế có ứng dụng KHCN. Năm 2023, huyện có thêm 8 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp: hành tía xã Quang Trung, lạc đỏ xã Vũ An, chả cá xã Thanh Tân, chè xanh xã Quốc Tuấn, mắm cáy xã Bình Thanh, bột sắn dây xã Bình Nguyên... Ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo và đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Trên 1.000ha cây trồng của huyện Kiến Xương sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày