Chủ nhật, 28/07/2024, 01:35[GMT+7]

Hoài niệm kiến trúc nhà cổ

Thứ 6, 22/03/2024 | 09:57:28
2,388 lượt xem
Ngồi thưởng trà trong ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm và được giới thiệu về kiến trúc, nghe kể về nền nếp gia phong, văn hóa người Việt xưa mới hiểu được những giá trị tinh hoa văn hóa, tài hoa của ông cha.

Độc đáo nếp nhà cổ

Tạm rời xa những âm thanh huyên náo, nhịp sống hối hả của phố phường, chúng tôi tìm về làng Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư). Bao quanh bởi những ngôi nhà cao tầng hiện đại, ngôi nhà cổ của gia đình ông Đỗ Văn Bình lại tràn ngập cây xanh, đưa chúng tôi đến không gian hoàn toàn khác biệt. Sự yên bình, tĩnh lặng mang đến cho tâm hồn một cảm giác vô cùng nhẹ nhàng, thư thái. 

Theo ông Bình, mỗi ngôi nhà cổ đều có gốc tích riêng rất thú vị. Dựa theo những bút tích ghi lại, ngôi nhà này vốn được một vị quan ở phủ Lạng Sơn dựng lên vào khoảng năm thứ 6 vua Thành Thái. Nhà được thiết kế theo lối kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 gian, 2 chái, toàn bộ được dựng bằng gỗ lim. 

Cũng vì thế, việc ông Bình đưa ngôi nhà cổ về Thái Bình để phục dựng lại cũng là bài toán khó. Ông chia sẻ: Ngôi nhà được vị quan lựa chọn dựng tại khu vực có địa thế cao, nằm trong vùng sâu, hẻo lánh. Cùng với đó, đường sá đi lại khó khăn nên việc vận chuyển ngôi nhà về chủ yếu tận dụng là sức kéo của trâu, bò. Tôi phải mất rất nhiều thời gian, tiền của mới có thể mang ngôi nhà về. Hiện tại, ngôi nhà được tôi sử dụng làm nơi thờ cúng tổ tiên.

Sinh ra, lớn lên tại mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử với quần thể đình chùa hàng trăm năm tuổi nên ngay từ khi còn bé, ông đã được tiếp cận với kiến trúc cổ, đồ cổ rồi dần trở thành niềm đam mê. 

“15 tuổi tôi đã bén duyên với đồ cổ rồi trở thành người chỉ dẫn cho khách sưu tầm đồ cổ đến làng. Tôi có điều kiện được đi nhiều nơi và từng được sang nước ngoài nhưng tôi nhận thấy thợ mộc xưa có tay nghề rất điêu luyện. Các họa tiết đều được người thợ chạm khắc thủ công rất chi tiết. Nhiều khách buôn đồ cổ từ Trung Quốc cũng phải nể phục với sự tỉ mỉ, chau chuốt của người Việt” – ông Bình chia sẻ thêm.

Ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của gia đình ông Đỗ Văn Bình.

Cùng chung niềm đam mê với kiến trúc nhà cổ như ông Bình, ông Dương Văn Nam, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) cũng sở hữu ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Ông Nam chia sẻ: Tôi đã đam mê với kiến trúc nhà cổ từ lâu và may mắn có duyên mua được ngôi nhà cổ hiện tại. Ngôi nhà này vốn từng thuộc sở hữu của vị Chánh tổng trong làng. Ngày xưa, để xây dựng được ngôi nhà thế này phải là gia đình rất giàu có. Khi ấy ngôi nhà bỏ hoang không có người ở, thấy tiếc nên tôi hỏi mua về phục dựng. Ngôi nhà được các cụ tính toán rất tỉ mỉ nên bảo đảm mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và không bao giờ bị nồm ẩm. Thời gian đầu khi mua nhà cổ về phục dựng, gia đình tôi phản đối rất nhiều nhưng vì đam mê nên tôi vẫn quyết tâm làm. Khách đến nhà chơi cảm thấy rất thích không chỉ vì kiến trúc độc đáo mà vì họ còn cảm nhận được giá trị văn hóa người xưa để lại.

Bảo tồn tinh hoa văn hóa

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, những ngôi nhà cổ rất mộc mạc, bình dị nhưng ẩn chứa bên trong là giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống của người Việt không thể đong đếm. Theo ông Nam, khi sống trong nhà cổ cũng khiến cho mọi người thay đổi nền nếp từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đến lễ giáo gia phong. Từ thực tế, ngôi nhà cổ luôn có ngưỡng cửa cao buộc người ta trước khi bước vào nhà phải nhìn xuống, nhấc chân cao và bước thận trọng hơn. Bên cạnh đó, nhắc khách đến nhà phải chậm lại, nhìn trước nhìn sau trước khi đặt chân vào nhà. Vì vậy, xu hướng ngày nay nhiều người cũng mong muốn quay lại với lối sống hoài cổ, kể cả những người trẻ.

Ngôi nhà cổ được làm hoàn toàn bằng gỗ lim.

Qua những lần phục dựng, tôn tạo các kiến trúc nhà cổ, năm 2007, ông Bình đã quyết định mở xưởng để phục vụ nhu cầu của người yêu thích kiến trúc nhà cổ. Nghề mộc xưa toàn làm thủ công, vất vả, nên người xưa có câu “nhất thổ, nhì mộc”. Thế nhưng ở độ tuổi 25, thay vì lựa chọn cuộc sống năng động, nhộn nhịp nơi thành thị, anh Đỗ Văn Dương, con trai của ông Bình lại muốn gắn bó với nghề này. 

“Sau khi hoàn thành việc học đại học, tôi nhận thấy bản thân thực sự yêu thích và muốn gắn bó với nghề. Những ngôi nhà được lên ý tưởng phục chế, dựng lại theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi ngôi nhà sẽ mang tâm hồn của nghệ nhân, dù được chỉnh sửa theo ý tưởng của khách hàng nhưng vẫn phải bảo đảm theo tiêu chí cổ xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Một nếp nhà cổ có thể coi là nơi hội tụ tinh hoa của nghề mộc, từ những kỹ thuật tính toán, lắp ghép cho đến những bức chạm khắc, trang trí. Hiện tại, tôi đang làm việc trực tiếp cùng với khoảng 20 thợ mộc tại xưởng. Thông qua tiếng cưa, tiếng đục cũng có thể biết người thợ đã làm đúng kỹ thuật hay chưa. Để hoàn thiện việc phục dựng một ngôi nhà cổ cần thời gian khoảng 8 tháng trở lên. Với người trẻ như tôi phải vừa học vừa tìm tòi để làm và phải nắm được bí kíp nghề” – anh Dương cho biết.

Ngôi nhà cổ được ông Đỗ Văn Bình sử dụng làm nơi thờ cúng tổ tiên.

Với nét đẹp truyền thống, những ngôi nhà cổ chính là nơi lưu giữ văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, kiến trúc của người xưa. Chưa có thống kê cụ thể nhưng ở một số vùng quê của Thái Bình người dân vẫn lưu giữ được những nếp nhà cổ có tuổi thọ hàng trăm năm. Nơi đây là không gian văn hóa, gìn giữ và trao truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau dưới những nếp nhà. Hy vọng trong thời gian tới, kiến trúc độc đáo này sẽ tiếp tục được bảo tồn và trở thành điểm đến du lịch văn hóa, giáo dục các thế hệ luôn nhớ về tổ tiên, ông cha.


Nguyễn Triệu - Trịnh Cường