Thứ 2, 22/07/2024, 21:26[GMT+7]

Tủ sách dòng họ trên quê lúa Thái Bình

Thứ 2, 27/09/2010 | 07:41:58
3,309 lượt xem
Vài năm trở lại đây, tại một số địa phương vùng nông thôn Thái Bình khi cần có nhu cầu đọc sách báo, nhiều người dân lại quen thuộc với một địa chỉ có tên gọi: Tủ sách dòng họ.

Một mô hình tủ sách dòng họ ở Thái Bình

Cùng với nhà trường, công tác thư viện đã và đang phát huy vai trò của mình trong việc truyền bá tri thức tới mọi  người dân, nhất là đối tượng học sinh.

Thông qua số liệu hoạt động hàng năm đã khẳng định vai trò và những đóng góp tích cực của hệ thống thư viện công cộng từ thư viện tỉnh, huyện, thành phố đến thư viện xã phường thị trấn trong việc nâng cao dân trí cho cộng đồng.

Đồng hành với hệ thống thư viện công cộng, hệ thống thư viện nhà trường, điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật cũng có nhiều hoạt động trong việc đưa sách báo đến với người đọc.

Vài năm trở lại đây, tại một số địa phương vùng nông thôn Thái Bình khi cần có nhu cầu đọc sách báo, nhiều người dân lại quen thuộc với một địa chỉ  có tên gọi “TỦSÁCH DÒNG HỌ”.

Với mong muốn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân nông thôn cần có sách đọc để nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết, sau quá trình nghiên cứu các mô hình thư viện đang hoạt động trên cả nước, anh Ngyễn Quang Thạch, quê ở Hà Tĩnh đã có sáng kiến xây dựng mô hình TỦ SÁCH DÒNG HỌ.

Ban đầu, cá nhân anh đã tự đầu tư kinh phí, vận động mở được 11 tủ sách. Sau đó  với sự ủng hộ của một số cá nhân, tổ chức xã hội, qua việc vận động quyên góp sách, anh đã đi nhiều nơi  trong cả nước vận động chính quyền và người dân, giúp đỡ mở tủ sách.

Đến nay trên địa bàn 20 tỉnh trong cả nước đã có 67 tủ sách dòng họ được mở ra và đang hoạt động tốt. Trong đó, tại Thái Bình trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ 15 tủ sách, huyện Đông Hưng có 2 tủ, huyện Thái Thụy có 1 tủ và huyện Kiến Xương có 1 tủ. Điển hình là xã An Dục Quỳnh Phụ có 11 tủ sách dòng họ.

Khác với cách làm đã có từ cuối những năm 70 thế kỷ XX thư viện tỉnh Thái Bình đưa vốn sách, cử cán bộ cùng xuống phối hợp với phòng Văn hoá thông tin huyện Hưng Hà mở thư viện đặt tại từ đường nhà Bác học Lê Quý Đôn xã Độc Lập.

Anh Nguyễn Quang Thạch với cách làm thực hiện xã hội hoá cùng gắn trách nhiệm của dòng tộc trong việc xây dựng tủ sách. Vì vậy các dòng họ khi chuẩn bị mở tủ sách đã có sự chuẩn bị khá chu đáo, tổ chức họp họ lại cùng bàn bạc thống nhất và ra nghị quyết để thực hiện công việc có ý nghĩa này. Dòng họ tự bỏ kinh phí đóng tủ đựng sách.

Nhà tài trợ đầu tư vốn sách ban đầu cho mỗi tủ từ 150 đến 200 cuốn sách nội dung phù hợp với đối tượng người đọc: sách văn học, kỹ thuật nông nghiệp, thiếu nhi, y học, lịch sử...

Để tủ sách duy trì tốt và ngày càng phát huy được hiệu quả trong phục vụ, thì vấn đề đặt ra là vốn sách báo phải được bổ sung thêm số lượng tên sách, bản sách tránh nghèo nàn đối với người sử dụng. Các dòng họ thông qua ngày gặp mặt đầu xuân nhân dịp tết Nguyên đán, ngày giỗ họ đã huy động con em mình người ủng hộ sách, người ủng hộ tiền mua sách.

Rất nhiều người xa quê đã gửi về các dòng họ hàng chục đến hàng trăm đầu sách. Có dòng họ như họ Đỗ, họ Lương.. xã An Dục Quỳnh Phụ trong quy định của dòng họ đã có điều ghi rõ số kinh phí để mua sách hàng năm.

Tuy số tiền không nhiều song điều này đã thể hiện sự quyết tâm duy trì hoạt động tủ sách. Bằng cách làm như vậy kết quả thu được rất  khả quan: tất cả các tủ sách dòng họ hiện đang hoạt động đều có số vốn tăng đáng kể, phần lớn đã có số sách tăng gần gấp đôi so với số vốn ban đầu. Có tủ đã có số sách lên gần một nghìn cuốn như tủ sách nhà bác Đỗ Anh Tuấn xã An Vũ - Quỳnh Phụ.

Điều đáng nói là tủ sách được các dòng họ quý trọng, đặt tại nhà thờ họ. Các dòng họ đều cử trưởng họ, người có học vấn, hiểu biết, trực tiếp quản lý phục vụ sách báo cho mọi người. Sách được đăng ký vào sổ, mỗi cuốn đều được dán nhãn có ghi số đăng ký thuận tiện cho việc phục vụ.

Hiệu qủa hoạt động của tủ sách dòng họ được ghi nhận rõ nét đó là việc hưởng ứng của người dân, sách được nhiều người từ cao tuổi đến trẻ em truyền đọc. Với cách thức tổ chức tủ sách ngay tại địa điểm gần gũi, thuận tiện với  người dân nông thôn, không mất nhiều thời gian với việc đi lại mượn sách, cùng với cách quản lý bằng tình cảm họ hàng làng xóm, đã có nhiều cuốn sách được đưa tới người đọc. 

Thông qua sổ theo dõi mượn trả sách của các tủ sách cho thấy đã có hàng trăm lượt bạn đọc với hàng ngàn lượt sách luân chuyển. Việc đọc không chỉ dừng lại bởi mức độ thiết thực đối với mỗi cá nhân, mà việc đọc còn ý nghĩa hơn khi các bác cao tuổi  đọc được cuốn sách hay bổ ích đã cùng nhau bàn thảo, cùng trao đổi, nhất là đối với sách văn học, sách y học. Các em lứa tuổi học sinh ngoài giờ học đã có sách đọc rất bổ ích mà mỗi gia đình không phải lo kinh phí mua sách cho con em mình.

Các tủ sách dòng họ không chỉ hoạt động đơn lẻ mà ở đây đã có sự gắn kết hỗ trợ lẫn nhau, sách không chỉ phục vụ  trong  mỗi dòng họ, mà người ở dòng họ khác vẫn được đến sử dụng, Nhiều cuốn sách hay được cho mượn luân chuyển từ tủ này sang tủ khác. Kinh nghiệm quản lý tủ sách cũng được trao đổi, từ cách ghi chép sổ sách đến cách phục vụ.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo theo công văn số 4564 ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch về việc triển khai xây dựng thí điểm và chuẩn hoá mô hình Tủ sách dòng họ tại các xã An Dục, Đồng Tiến, An Vũ Quỳnh Phụ Thái Bình, Thư viện tỉnh Thái Bình với chức năng là cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ trên địa bàn tỉnh đã cử cán bộ tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách dòng họ cho trên 20 thủ thư với các công việc: đăng ký sách, đóng dấu, phân loại sách, sắp xếp tài liệu, phục vụ bạn đọc, quản lý tài liệu... Nhờ đó các tủ sách dòng họ đã có điều kiện để hoạt động hiệu quả hơn.

Cùng với dòng chảy của thời gian, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhiều người băn khoăn rằng liệu văn hoá nghe nhìn có lấn át văn hoá đọc?  Song bằng việc làm của những con người tâm huyết với văn hoá đọc và kết quả hoạt động của  "Tủ sách dòng họ" trên quê lúa Thái Bình đã chứng minh văn hoá đọc không mất đi vị trí của mình mà nó đã tỏ rõ sức mạnh, vai trò to lớn trong việc truyền bá tri thức một cách có hệ thống và sâu sắc.

                                         Lê Thị Thanh Đài
(Phó Giám đốc thư viện tỉnh)

  • Từ khóa