Chủ nhật, 11/08/2024, 04:32[GMT+7]

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường an toàn hạt nhân trên quy mô toàn thế giới

Thứ 2, 27/04/2015 | 18:22:49
743 lượt xem
Ngày 26/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa khẳng định cam kết ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân Chernobyl, đồng thời kêu gọi hợp tác để tăng cường an toàn hạt nhân trên quy mô toàn thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Ảnh: AP)

 

Tuyên bố ra cùng ngày của người đứng đầu Liên hợp quốc có đoạn viết: “Ngày 26/4, chúng ta tưởng niệm 29 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Chúng ta nhớ đến hàng trăm công nhân cứu hộ khẩn cấp làm nhiệm vụ và khoảng hơn 330.000 người đã bị mất nhà cửa sau thảm họa…Chúng ta sát cánh bên càng triệu người đang phải đối mặt những nỗi sợ hãi kéo dài về cuộc sống và sức khỏe của họ…Sau gần 3 thập kỷ, những khu vực tại Ukraine, Belarus và Liên bang Nga vẫn phải hứng chịu hậu quả bởi thảm họa Chernobyl. Tuy nhiên, chúng ta lấy làm khích lệ khi mà cộng đồng tại những khu vực bị tác động bởi thảm họa giờ đã có một cơ hội, và ngày càng có nhiều phương tiện để quay trở lại một cuộc sống bình thường”.

 

Ông Ban Ki-moon đã một lần nữa khẳng định lại cam kết của Liên hợp quốc nhằm ủng hộ những người bị ảnh hưởng sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, đồng thời kêu gọi đưa ra một chiến lược trước mắt nhằm tăng cường hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng (bởi thảm họa này) và hợp tác vì một tương lai hạt nhân an toàn hơn cho thế giới.

 

Trước mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thảm họa hạt nhân Chernobyl, Liên hợp quốc lấy giai đoạn 2006 - 2016 làm “Thập kỷ phục hồi và phát triển bền vững” đối với những khu vực bị ảnh hưởng và thiết lập một kế hoạch hành động Liên hợp quốc về Chernobyl. Theo dự kiến, những chương trình này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2016, tuy nhiên, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan điều phối hợp tác quốc tế của Liên hợp quốc về Chernobyl đã đề xuất một loạt các cuộc tham vấn nhằm xác định triển vọng hợp tác quốc tế sau năm 2016 về vấn đề này.

Vụ tai nạn ngày 26/4/1986 tại nhà máy điện Chernobyl ở thành phố Pripyat – Ukraineon>, đã gây ra thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Thảm họa đã phát tán vô số chất phóng xạ vào môi trường sống khiến một khu vực rộng lớn tại châu Âu bị ảnh hưởng. Cho tới nay, những thiệt hại về người sau thảm họa hạt nhân cách đây gần 3 thập kỷ vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Các chuyên gia của Liên hợp quốc đã chính thức công nhận vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã trực tiếp khiến 31 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Tổ chức Hòa bình Xanh lại cho rằng, con số này cao hơn nhiều và có khoảng 100.000 người đã phải bỏ mạng do các căn bệnh ung thư sau thảm họa này.

 

Một thời gian sau ngày xảy ra thảm họa tại nhà máy Chernobyl vào năm 1986, khu vực lò phản ứng bị hư hại đã được bao phủ bằng một “chiếc hầm tạm thời” – dự kiến sẽ ngăn chất phóng xạ thoát ra khỏi môi trường trong vòng tối thiểu 30 năm. Tuy nhiên, cho tới nay, chiếc hầm này đã xuất hiện những vết nứt. Theo kế hoạch, dự án xây một khu hầm chứa chất phóng xạ mới tại nhà máy Chernobyl – với chi phí do các nhà đầu tư quốc tế hỗ trợ qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) sẽ được hoàn tất trong năm nay, song thời hạn chót đã bị lùi sang tháng 11/2017 bởi chi phí đã phát sinh lên thành hơn 2,15 tỷ ơ-rô so với tính toán ban đầu là 800 triệu ơ-rô.

 

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa