Thứ 6, 19/04/2024, 23:57[GMT+7]

Khuyến học, khuyến tài ở Thành phố Anh hùng

Thứ 3, 14/09/2021 | 10:37:29
10,825 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là dân tộc yếu”; “Học để nước mạnh, dân giàu, nhân dân nước ta thoát khỏi kiếp nô lệ, nghèo đói, lạc hậu, giữ vững chủ quyền an ninh của Tổ quốc”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố Thái Bình luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm. Vị thế của Hội Khuyến học ngày càng được nâng cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ; tổ chức Hội được củng cố và không ngừng phát triển.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo chú trọng công tác khuyến học.

Xây dựng tổ chức vững mạnh

Ngày 14/05/2001, Hội Khuyến học thành phố Thái Bình được thành lập, mang sứ mệnh “khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn Thành phố với với sự khởi đầu muôn vàn khó khăn, thách thức. Khi đó Hội chỉ có 8.885 hội viên, sinh hoạt tại 13/13 hội khuyến học phường xã và 5 ban khuyến học dòng họ. Với quyết tâm xây dựng thành phố - “một xã hội học tập” dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của các cấp Hội Khuyến học và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, phong trào khuyến học khuyến tài trên địa bàn Thành phố đã phát triển mạnh mẽ. Các cơ sở hội khuyến học ở Thành phố đã đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và trung tâm học tập cộng đồng khuyến học. Vì thế đến tháng 12/2009 toàn Thành phố đã có 37 cơ sở Hội Khuyến học phủ kín 100% địa bàn, gồm 420 chi hội và 188 ban khuyến học dòng họ với gần 37 nghìn hội viên, chiếm 20,6% dân số, ủng hộ Quỹ khuyến học đạt gần 4,5 tỷ đồng, đã sử dụng 3,7 tỷ đồng khen thưởng giáo viên, học sinh giỏi các cấp và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Việc làm ý nghĩa này của Hội Khuyến học đã góp phần quan trọng để ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố giành vị trí dẫn đầu toàn tỉnh về học sinh giỏi.

Từ tiêu chí hiếu học đến tiêu chí học tập

Thực hiện nghị quyết của Đảng và Chỉ thị số 11 ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” thông qua xây dựng các mô hình “gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập”, Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Thành phố xác định đây là một quyết định hết sức quan trọng hướng tới mục tiêu cả Thành phố là một xã hội học tập. Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng xã hội học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời. Đây cũng  là nền tảng, là viên gạch đầu tiên để thúc đẩy sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Thành phố phát triển lên một tầm cao mới nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài. Để thực hiện điều đó, Thành phố đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện đề án 281, Thông tư 44 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quyết định của UBND tỉnh và Thành phố cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, phòng, ban, trường học và các Hội Khuyến học cơ sở trong toàn Thành phố. Hội Khuyến học thành phố đã chọn phường Trần Lãm và xã Vũ Lạc chỉ đạo làm điểm. Sau khi rút kinh nghiệm của các địa phương làm điểm, Thành phố đã triển khai nhân rộng đến 100% các xã, phường còn lại. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án 281/CP, công tác tuyên truyền vận động luôn được Hội Khuyến học các cấp chú trọng, từng bước nâng cao nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng trong việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tích cực xây dựng các mô hình học tập ở địa phương và trong cơ quan, đơn vị. Kết quả, đến hết năm 2020, toàn Thành phố có 48.432 gia đình đạt gia đình học tập, chiếm 82,8% so với tổng số hộ của Thành phố; 140/140 dòng họ đạt dòng họ học tập, chiếm 100% dòng họ đăng ký và bằng 80% số dòng họ toàn thành phố; 261/265 thôn, tổ dân phố đạt cộng đồng học tập, chiếm 98,4%; 67/70 đơn vị đạt đơn vị học tập, chiếm 95%, có 19/19 xã phường được UBND Thành phố ra Quyết định công nhận CĐHT cấp xã. Các Trung tâm học tập cộng đồng - nơi người dân “cần gì học nấy” từng bước được đổi mới, góp phần quan trọng trong việc duy trì, phát triển phong trào học tập suốt đời trong nhân dân; xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. 5 năm qua (2015- 2020) đã phối hợp tổ chức 5277 lớp tập huấn với 21 chuyên đề cho trên 574 nghìn lượt người học tập. Qua công tác kiểm tra đánh giá hàng năm, 100 % trung tâm học tập cộng đồng các phường xã đều xếp loại khá trở lên. Đến nay, mạng lưới tổ chức Hội Khuyến học Thành phố đã phủ kín có 37 cơ sở Hội, 146 ban khuyến học, 306 chi hội với 64.089 hội viên. Đặc biệt, để đưa phong trào khuyến học, khuyến tài không ngừng phát triển, các cấp Hội Khuyến học trong Thành phố luôn quan tâm và tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng Quỹ khuyến học. Nếu như, kết thúc nhiệm kỳ 2010 - 2015, Quỹ khuyến học toàn Thành phố mới chỉ đạt gần 10 tỷ đồng, đến nay, con số này đã lên trên 17 tỷ đồng. Cũng trong 5 năm qua, các cấp Hội Khuyến học đã cấp học bổng, khen thưởng cho trên 142 nghìn giáo viên, học sinh, sinh viên học có thành tích cao đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và học sinh giỏi các cấp, số tiền trên 6 tỷ đồng; Hỗ trợ học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 10.673 suất quà, trị giá trên 2,7 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập không ngừng phát triển.

Chi hội Khuyến học thôn Hiệp Trung xã Đông Hòa tuyên dương học sinh giỏi.

Những thành tựu tiêu biểu

Đặc biệt năm 2021, để đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học thành phố tham mưu Thành ủy, UBND, Ban chỉ đạo xã hội học tập Thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030”. Triển khai thí điểm “công dân học tập” năm 2021 tại 3 phường xã Lê Hồng Phong, Vũ Lạc và Đông Thọ, kết quả cả 3 xã phường đều đủ tiêu chí công nhận đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

Ông Bùi Hữu Thạnh, Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố cho biết: Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp Hội Khuyến học và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong suốt 20 năm qua, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài đã bắt đúng mạch nguồn của cuộc sống, ăn sâu bám rễ vào đời sống nhân dân. Điều này cũng cho thấy phong trào không còn là riêng của những người làm khuyến học mà đang trở thành phong trào nhân dân, có sự chung tay góp sức của các lực lượng xã hội, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin tưởng. Với thành tích đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển, chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2015- 2020, Hội Khuyến học Thành phố được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 2 cờ đơn vị thi đua xuất sắc, 61 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen; 172 đồng chí được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”, 7 tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng giấy khen của Hội Khuyến tỉnh, Hội Khuyến học Thành phố. Đây sẽ là động lực để các cấp Hội Khuyến học trong Thành phố tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, thi đua triển khai thực hiện Kết luận 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị”, Quyết định 489 của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch của tỉnh, Thành phố về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021-2030”, tích cực đưa Nghị quyết 29 khóa XII của Đảng và Quyết định 281 của Chính phủ vào thực tiễn, góp phần xây dựng quê hương Thành phố sớm trở thành đô thị loại I giàu đẹp, văn minh.

Bích Hạnh
(Đài TT- TH Thành phố)


(Tác phẩm tham dự cuộc thi “Báo chí viết về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập” năm 2021)