Thứ 2, 05/08/2024, 21:26[GMT+7]

Chàng thanh niên khiếm thị giàu nghị lực

Thứ 2, 28/10/2013 | 08:41:50
3,891 lượt xem
Đối với tôi, mỗi người khuyết tật luôn là một tấm gương và là một câu chuyện dài về nghị lực, ý chí vươn lên chiến thắng số phận. Người mà tôi muốn nói đến trong câu chuyện này là anh thanh niên Bùi Đình Vường, sinh năm 1978, một trong những hội viên tiêu biểu của Hội Người mù Thái Thụy.

Anh Bùi Đình Vường làm việc tại cửa hàng tẩm quất của gia đình.

Anh là người con của thôn Bích Đoài (xã Thái Nguyên, Thái Thụy). Tuổi thơ anh gắn liền với tiếng hát rì rầm của quê hương miền biển. Những ngày hè của năm 1996, khi đang là một chàng trai mười tám căng tràn nhựa sống với biết bao hoài bão, ước mơ thì tai nạn ập đến bất ngờ. Trong một lần cùng bố hàn xì tại xưởng cơ khí của gia đình, Bùi Đình Vường bị chấn thương ở mắt. Gia đình đã đưa anh đi chạy chữa khắp nơi nhưng cũng chỉ giữ lại cho anh chút ánh sáng yếu ớt. Tự ti vì bản thân mù lòa, suốt một năm sau đó, anh ít chuyện trò với mọi người. Thời gian cứ thế trôi đi, cuộc đời anh sẽ mãi chìm trong bóng tối nếu như không có sự chăm sóc, động viên từ gia đình, bạn bè và Hội Người mù huyện. Được tham gia sinh hoạt ở Huyện hội, niềm khát khao được làm việc, lao động trong anh trỗi dậy, anh dần tìm lại nghị lực sống.

 

Từ năm 2000 - 2003, Huyện hội tổ chức cho anh đi học lớp chữ nổi và tẩm quất cổ truyền ở Tỉnh hội. Tại đây, anh được học tập, sinh hoạt với các bạn cùng cảnh ngộ, những vui buồn, khó khăn của cuộc sống được san sẻ, anh trở lại là chính mình. Tham gia vào tổ sản xuất làm tăm tre, chổi đót của Huyện hội, thu nhập hàng tháng tuy không cao nhưng anh thấy cuộc sống của mình có thêm niềm vui và ý nghĩa. Rồi hạnh phúc lớn nhất của đời anh đã đến, năm 2002, người con gái nết na, khỏe mạnh làng bên đã đem lòng yêu thương và lấy anh làm chồng. Mặc cho hàng xóm dị nghị, bạn bè ngăn cản, anh chị vẫn quyết tâm đến với nhau. Niềm hạnh phúc được nhân lên bội phần khi những đứa con lần lượt ra đời. Thế nhưng, gánh nặng cuộc sống đè nặng lên gia đình nhỏ bé khi mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Đã bao đêm mất ngủ, anh trăn trở: “Mình không thể để cho vợ con vất vả, phải làm gì đó để phát triển kinh tế gia đình".

 

Thế nhưng, con đường lập nghiệp của người khiếm thị như anh chẳng dễ dàng chút nào. Nhớ lại những khó khăn trong thời gian đầu học nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề Hội Người mù tỉnh, anh chia sẻ: “Việc học nghề của tôi không được thuận lợi như các bạn cùng lớp vì bàn tay thường ra nhiều mồ hôi”. Nhưng nghĩ tới gia đình, nghị lực và lòng quyết tâm theo đuổi nghề trong anh trỗi dậy. Anh chạy chữa khắp nơi để có thể gắn bó với nghề xoa bóp, bấm huyệt, bởi đối với người mù đây là một nghề mũi nhọn, mang lại thu nhập khá và ổn định.

 

Năm 2009, anh lên Hà Nội xin vào làm ở một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của một người quen cùng cảnh. Lúc đầu anh Vường gặp rất nhiều khó khăn bởi nền nếp sinh hoạt mới, là lần đầu lên thành phố làm việc, tay nghề chưa thực sự vững vàng. Sau một thời gian, bằng sự cố gắng học hỏi không ngừng nghỉ và sự giúp đỡ tận tình của bạn bè, anh dần quen với công việc, lượng khách hàng tìm đến anh ngày một đông hơn. Không chỉ nghĩ cho riêng mình, anh luôn mong sao sẽ làm được điều gì đó để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ qua những việc làm thiết thực.

 

Được hỗ trợ vay vốn từ Huyện hội cùng sự giúp đỡ của nhân dân trong xóm, anh quyết định mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt riêng. Đến nay, cơ sở dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt của anh đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 4 người mù, thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về những khó khăn khi tạo việc làm cho những người mù, anh Vường cho rằng: “Điều quan trọng cần tạo cho họ sự tự tin, truyền cho họ niềm khát khao được làm việc, lao động để tự khẳng định mình và giúp họ có một điều kiện làm việc phù hợp”. Giờ đây ngôi nhà tranh đơn sơ của vợ chồng anh ngày trước đã được thay thế bằng ngôi nhà mái bằng kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cùng 2 cô công chúa nhỏ chăm ngoan, học giỏi.

 

Câu chuyện về anh Bùi Đình Vường đã giúp cho tôi hiểu hơn về cuộc sống: Dù ta không được may mắn nhưng mỗi chúng ta có quyền lựa chọn con đường mình sẽ đi. Cuộc sống có tốt lên hay không chính là nhờ có sự cố gắng và ý chí của chính bản thân mỗi người. Lòng quyết tâm sẽ giúp chúng ta vượt lên tất cả.

Vũ Anh Dũng

(Phó Chủ tịch Hội Người mù Thái Thụy)

 

  • Từ khóa