Chủ nhật, 11/08/2024, 12:18[GMT+7]

Anh Tài “bám” ruộng

Thứ 4, 13/07/2016 | 09:50:50
601 lượt xem
Hiện nay, do sản xuất manh mún, thủ công khiến giá trị sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo khá thấp nên nhiều nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Ngược lại, anh Nguyễn Thành Tài, nông dân thôn Mỹ Lộc 3, xã Việt Hùng (Vũ Thư) vẫn kiên trì “bám” ruộng, tích tụ 13ha đất để sản xuất, mỗi vụ thu về hàng chục tấn thóc.

Với 13ha, anh Nguyễn Thành Tài thu trên 50 tấn thóc ở vụ xuân năm 2016.

 

Từ nhiều năm trước, hàng trăm hộ dân xã Việt Hùng được chia ruộng ở cánh đồng Khê Kiều (xã Minh Khai), cách khu dân cư bà con sinh sống khoảng 6 - 7km. Ruộng xa, manh mún, chua trũng, cao thấp nên dần dần nông dân cả 3 thôn Mỹ Lộc 1, 2, 3 đều bỏ ruộng, mặc cho cỏ dại mọc. Nhìn đồng ruộng hoang hóa, đất đai bị bỏ lãng phí, anh Tài rất xót xa. Vụ xuân năm 2013, anh ngỏ lời mượn ruộng, bà con vui vẻ đồng ý, anh nhận cấy gần 7 mẫu. Bắt tay vào sản xuất anh mới thấy nhiều khó khăn bởi ruộng bỏ hoang lâu năm nên hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp trầm trọng, chuột “oanh tạc” ngày đêm, ruộng thửa cao xen lẫn thửa trũng, chất đất chua xấu khiến cây lúa cứ đỏ quạch như “đói ăn”. Vất vả cực nhọc, vụ đầu tiên anh chỉ thu được gần 1 tạ thóc/sào. Trừ chi phí, tính ra bị thua lỗ, người thân, bạn bè, nhất là vợ anh phản đối quyết liệt việc anh “ôm” ruộng để cấy lúa.

 

Nhưng anh Tài không nản mà ngược lại tiếp tục vận động gần 600 hộ dân để mượn được gần 13ha ruộng trên cả xứ đồng, anh cho rằng thua lỗ là vì các điều kiện sản xuất chưa bảo đảm, cần phải đầu tư cải tạo lại toàn bộ đồng ruộng. Cánh đồng này chưa thực hiện dồn điền đổi thửa nên manh mún, bờ thửa, bờ vùng chằng chịt, anh Tài từng bước quy hoạch lại cho khoa học. Mỗi vụ, anh đầu tư hàng chục triệu đồng san lấp để ruộng bằng phẳng hơn, xử lý những khu vực đất chua, múc máng để phục vụ tưới, tiêu và đắp bờ làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa vào sản xuất. Anh Tài chia sẻ, công cuộc cải tạo đồng ruộng của anh vẫn còn phải thực hiện trong vài vụ lúa tới mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất lúa theo hướng hàng hóa.

 

Song song với cải tạo ruộng, mỗi vụ lúa, anh Tài thuê khoảng 20 lao động thời vụ, tiến hành sản xuất bảo đảm theo lịch chỉ đạo chung. Anh hợp đồng với các chủ máy thực hiện các khâu làm đất trên cả cánh đồng nên khá thuận lợi. Anh lựa chọn giống lúa Q5 và nếp N97 để gieo cấy vì sau nhiều lần thử nghiệm, anh thấy hợp với đồng đất hơn các giống lúa khác. Hầu hết diện tích gieo cấy, anh thực hiện gieo thẳng để tiết kiệm chi phí, những khu vực rất trũng mới cấy. Trước kia, nhiều ruộng bỏ hoang nên chuột tàn phá nặng nề, vì vậy anh thực hiện diệt chuột đồng loạt nên đã hạn chế đáng kể chuột gây hại. Anh thuê lao động kết hợp với máy móc thực hiện các khâu như làm đất, gieo cấy, thu hoạch, còn lại các khâu chăm sóc, kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh… hầu như mình anh trực tiếp đảm nhận. Cả cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay nên quanh năm anh kiên trì “ăn ngoài đồng, ngủ bờ ruộng”. Không phụ công anh, năng suất lúa mấy vụ gần đây đều tăng 5 - 10kg/sào, đến nay bình quân đạt khoảng 1,5 tạ/sào. Với diện tích 13ha, vụ xuân vừa qua, anh Tài thu được trên 50 tấn thóc.

 

“Trừ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công, thuê máy móc và lớn nhất là chi phí đầu tư cải tạo ruộng, mấy vụ lúa nay tuy vất vả cực nhọc nhưng tôi mới hòa vốn. Dự kiến sau cải tạo ổn định đồng ruộng, trong mấy năm tới sẽ đầu tư mua toàn bộ máy móc về làm nhằm nâng cao năng suất lúa, giảm chi phí sản xuất, lúc đó việc thu lãi mỗi vụ lúa là rất khả thi. Điều tôi vui nhất là đã nhân lên sự sống, ấm no ở cánh đồng này thay cho việc bỏ đất hoang, cỏ dại trước kia. Ông cha ta nói đúng, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” - anh Tài chia sẻ. Bằng một góc nhìn khác, một cách nghĩ khác, anh Nguyễn Thành Tài đã có thể làm giàu ngay trên thửa ruộng, từ chính những cây lúa nhỏ bé, thân quen.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa