Thứ 7, 10/08/2024, 22:19[GMT+7]

Giang “đá”

Thứ 2, 26/12/2016 | 15:01:54
537 lượt xem
Những phiến đá thô sơ, những bao xi măng, vôi, giấy, sơn bả qua tay Giang đều trở thành rồng, thành phượng, thành tùng, cúc, trúc, mai.

48 tuổi, Nguyễn Trường Giang ở thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) tự thấy mình như đã đi hết cả cuộc đời với đủ mặn ngọt, đắng cay. Câu chuyện về anh khiến nhiều người cảm thấy nuối tiếc.

Giang “đá” - người thân, người quen, bạn hàng hay người mới nghe tên đều gọi anh như vậy. Một cái tên đã trở thành biệt hiệu, gói trọn cả cuộc đời Nguyễn Trường Giang với hai khoảng trời sáng tối. Sinh năm 1968 tại xã Phương Công trong một gia đình có 7 người con chỉ có mình là con trai, Giang có dáng người dong dỏng, thư sinh, giọng nói nhẹ nhàng, những ngón tay thuôn dài như tay con gái. Có lẽ đây cũng là duyên phận đưa anh đến với một nghề làm đẹp cho đời: nghề chạm khắc đá. Giang có một khiếu thẩm mỹ bẩm sinh, chỉ cần học qua, thậm chí nhìn qua là anh có thể viết, vẽ, tô điểm, chạm khắc tinh vi, sống động. Cũng bởi có năng khiếu, óc thẩm mỹ tốt, đôi bàn tay tài hoa mà một thời Giang “đá” đã từng đầu quân vẽ mẫu cho Công ty Sứ Thái Bình.

Những ngày làm công nhân, đồng lương không trang trải được cuộc sống. Năm 1994, qua sự tư vấn của một người anh họ, Giang nghỉ việc, mở cơ sở chạm khắc đá đầu tiên ở thị trấn Tiền Hải, chuyên làm bia, hoành phi, câu đối. Tay nghề cao, duyên giao tiếp cộng với việc chịu khó đọc sách giúp công việc ở cửa hàng khá “thuận buồm xuôi gió”. Khách không chỉ làm bia mà còn mời anh trang trí nghĩa trang liệt sĩ, nhà thờ dòng họ, đình, đền - những công trình nhiều họa tiết văn hóa, tín ngưỡng. Giữa những năm 1994, 1995 mà thu nhập của gia đình anh đã đạt 10 triệu đồng/tháng. Những năm 2005, 2006 là thời kỳ đỉnh cao của Giang “đá”. Khách tới nườm nượp, anh thuê thêm 10 thợ cũng không làm hết việc. Thu nhập vì thế cũng tăng gấp 3 - 4 lần. Giang không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu công trình lớn nhỏ. Những phiến đá thô sơ, những bao xi măng, vôi, giấy, sơn bả qua tay Giang đều trở thành rồng, thành phượng, thành tùng, cúc, trúc, mai. Ông Phạm Ðồng ở xã Vũ Lăng (Tiền Hải) vốn am hiểu Hán nôm và văn hóa phương Ðông nên khá cầu kỳ, khó tính khi thiết kế, trang trí công trình thờ tự. Vì vậy, chỉ đến tay Giang “đá” ông mới yên tâm.

Tài hoa là thế nhưng Giang lại mắc nghiện, thậm chí nghiện nặng, thuộc vào diện “có số có má” ở đất Tiền Hải. Cũng bởi Giang tài. Cái tài ấy cứ kéo khách đến ùn ùn. Những đêm thức trắng, Giang cần một cái gì đó giúp anh tỉnh táo mà thăng hoa, mà sáng tạo. Sẵn có tiền, lại thêm bạn bè rủ rê, Giang “đá” thành Giang nghiện. Mới đầu chỉ 20.000 - 30.000 đồng một ngày, dần dần con số cứ lớn lên theo số tiền anh kiếm được. Cao điểm có ngày Giang hút hết 600.000 - 700.000 đồng.

Sau hai lần cai nghiện không thành, lần thứ ba Giang vào tận Bình Phước, chốn rừng thiêng nước độc những mong có thể đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Cai xong cũng chỉ trụ được 6 tháng là tái nghiện. 20 năm luẩn quẩn nghiện - cai, cai - tái nghiện, có lúc Giang “đá” thấy cánh cửa cuộc đời như đóng sầm. Giữa lúc đó, năm 2013, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Tiền Hải đi vào hoạt động đã hé cho Giang một khe cửa cuộc đời. Là một trong những người đầu tiên tham gia điều trị, Giang lại tiếp tục chạm khắc giấc mơ thoát nghiện. Sau hơn 3 năm điều trị với 1 lần giảm liều, giờ đây Giang đã cảm thấy tự tin hơn, có thể đi xa nhiều ngày mà không nhớ thuốc. Anh quyết tâm thoát nghiện để thực hiện mong ước: Ðể lại những tác phẩm đẹp cho đời.

Giang “đá” giờ đây đã cởi mở hơn khi chia sẻ về những khoảng tối của đời mình. Những người quen biết anh đều tiếc cho một tài năng lầm đường lạc lối. Cuộc đời Giang sẽ khác nếu Giang “đá” chỉ là Giang “đá” mà thôi.

Đỗ Hà

(Ðài TTTH Tiền Hải)

 

  • Từ khóa