Thứ 2, 29/07/2024, 21:22[GMT+7]

HTX DVNN xã An Quý (Quỳnh {Phụ) Phục vụ kịp thời, kinh doanh hiệu quả

Thứ 6, 10/06/2011 | 07:54:07
1,418 lượt xem
HTX An Quý là một trong những đơn vị điển hình ở huyện Quỳnh Phụ về cung ứng các dịch vụ vật tư nông nghiệp. Trung bình hàng năm, HTX cung ứng cho các hộ dân gần 200 tấn phân bón các loại, trên 4 tấn thóc giống, chưa kể các loại thuốc BVTV.

Điểm thu mua nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp của HTX DVNN An Quý (Quỳnh Phụ).

Từ chỗ hầu hết thị phần vật tư nông nghiệp đều do tư nhân cung ứng, đến nay thị trường cung cấp phân bón và thuốc BVTV của HTX đã vươn lên chiếm khoảng 70% thị phần.

 

Trong quá trình hoạt động của mình, HTX DVNN An Quý (Quỳnh Phụ) luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức cung ứng và điều hành tốt các khâu dịch vụ. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập cho các xã viên.

 

Xuất phát từ đặc điểm phần lớn diện tích đất canh tác của xã đều nằm ở vùng chua trũng nên muốn tăng năng suất cây trồng cần phải tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì vậy, thời gian qua, HTX đã tham mưu làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, tích cực chuyển giao KH- KT và xây dựng hàng loạt các mô hình thí điểm về tiếp thu giống cây trồng mới.

 

Trung bình mỗi năm, HTX vừa chủ trì, vừa phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc một số loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là cây- con giống mới. Ngoài giảng viên tại chỗ, HTX đã mời các kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ của một số trung tâm, viện nghiên cứu trung ương về tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phát hiện và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...

 

Tổ chức xây dựng mô hình điểm trồng đậu tương đông trên chân đất triều trũng 2 lúa; mô hình cấy giống lúa Sin6 trên chân đất chua, trũng; mô hình nuôi ngan Pháp; mô hình nuôi gà tại các hộ nghèo; mô hình trồng dưa gang và dưa bao tử... Phổ biến kỹ thuật gieo sạ hàng tập trung thay cho phương pháp cấy lúa truyền thống; kỹ thuật cấy hàng rộng, hàng hẹp...

 

Đến nay, hầu hết các mô hình, kỹ thuật nói trên đều được người dân áp dụng thành công vào thực tiễn sản xuất, nhanh chóng nhân ra diện rộng. Từ đó, giúp thay đổi đáng kể phương thức sản xuất truyền thống, tỷ lệ trà lúa dài ngày từ chỗ chiếm tới 67% vào năm 2006 đến nay đã cơ bản được thay thế bằng các giống lúa ngắn ngày.

 

Năng suất lúa trung bình năm 2010 tăng 14,5 tạ/ ha so với năm 2006, đạt 134,7 tạ/ ha/ năm. Bên cạnh hai vụ lúa, HTX đã mạnh dạn quy hoạch 7 cánh đồng chuyên màu với tổng diện tích trên 40ha ở 5/ 6 thôn trong xã; trong đó gần 20 ha luân canh khép kín 3- 4 vụ/ năm với đa dạng các cây trồng cho kinh tế cao như ớt, ngô giống, dưa chuột bao tử, dưa gang... Diện tích cây vụ đông tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, nhiều hộ xã viên trồng hàng mẫu rau màu vụ đông cho thu nhập tới 20 triệu đồng.

 

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các đối tượng hại cây trồng, HTX DVNN An Quý luôn quan tâm, coi trọng công tác điều hành dịch vụ bảo vệ thực vật. Vào thời kỳ cao điểm, Ban quản trị HTX phối hợp cùng cán bộ Trạm BVTV huyện tổ chức thăm đồng thường xuyên trung bình 2- 3 lần/ tuần nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, làm tốt công tác dự tính, dự báo, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời giúp xã viên chủ động phòng trừ đạt hiệu quả cao.

 

Với những đối tượng sâu bệnh nguy hiểm, gây hại trên diện rộng, HTX đều triệu tập toàn bộ các hộ dân có diện tích lúa bị nhiễm bệnh để hướng dẫn cách phòng trừ, nhờ vậy đã khống chế được dịch bệnh, không làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Để hạn chế sự phá hoại của đàn chuột, hàng năm HTX tổ chức 9 lần diệt chuột bằng bả sinh học, mua và phát miễn phí gần 1.000 chiếc cạm bẫy chuột cho các hộ dân, khuyến khích các hộ tự diệt chuột bằng biện pháp thủ công thông qua hình thức thu mua đuôi chuột. Năm 2010, HTX đã thu mua hơn 6.000 chiếc đuôi chuột, có hộ hàng năm đánh bắt được cả tấn chuột như gia đình anh Tưởng (thôn Lai ổn), anh Thi (thôn Mỹ).

 

Đặc biệt, HTX An Quý là một trong những đơn vị điển hình ở huyện Quỳnh Phụ về cung ứng các dịch vụ vật tư nông nghiệp. Trung bình hàng năm, HTX cung ứng cho các hộ dân gần 200 tấn phân bón các loại, trên 4 tấn thóc giống, chưa kể các loại thuốc BVTV. Từ chỗ hầu hết thị phần vật tư nông nghiệp đều do tư nhân cung ứng, đến nay thị trường cung cấp phân bón và thuốc BVTV của HTX đã vươn lên chiếm khoảng 70% thị phần.

 

Doanh thu từ cung ứng vật tư nông nghiệp đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Việc HTX đứng ra cung ứng các loại vật tư nông nghiệp đã khắc phục được tình trạng ép giá, bán hàng kém chất lượng, góp phần thực hiện tốt các chiến dịch phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cây trồng kịp thời. Ngoài các dịch vụ nói trên, hiện HTX DVNN An Quý còn triển khai dịch vụ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên, dịch vụ thý y và dịch vụ thuỷ nông.

 

Nhờ tổ chức điều hành tốt các khâu dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ở An Quý thời gian qua đã có những bước phát triển toàn diện. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã năm 2010 đạt gần 21 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình về nông nghiệp giai đoạn 2006- 2010 đạt 12,1%/ năm. Giá trị sản xuất bình quân đạt 63 triệu đồng/ ha/ năm... Đồng thời, doanh thu của HTX cũng ngày càng ổn định, năm 2006 đạt gần 600 triệu đồng, đến năm 2010 tăng lên 1,55 tỷ đồng. Lợi nhuận từ chỗ lỗ 1,87 tỷ đồng vào năm 2006 đến năm 2010 đã có lãi trên 50 triệu đồng.

 

 Vũ Mạnh

  • Từ khóa