Chủ nhật, 28/07/2024, 15:16[GMT+7]

Công nghiệp Đông Hưng tìm hướng vượt khó

Thứ 2, 29/08/2016 | 09:57:16
647 lượt xem
Theo kế hoạch, năm 2016 Đông Hưng phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau nên dự kiến mục tiêu trên của huyện khó hoàn thành.

Nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Minh Danh (Cụm công nghiệp Đông La, Đông Hưng).

Ông Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết: Những tháng đầu năm, ngành may có chiều hướng phát triển tốt do còn nhiều đơn hàng từ năm cũ chuyển sang nên giá trị tăng trưởng ổn định. Bước vào quý II, một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất, kinh doanh như Công ty TNHH May Đông Thọ (xã Phú Châu) tạo việc làm cho gần 400 lao động, Công ty May Đức Huy (xã Phú Lương) có hơn 300 lao động, tăng hơn 200 lao động so với năm ngoái còn Công ty May Tuấn Hương đã ổn định sản xuất, mang lại doanh thu cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Cùng với ngành may, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có chiều hướng tăng mạnh. Thời điểm đầu năm, giá vật liệu tăng cao, tình trạng khan hàng xảy ra ở nhiều nơi khiến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong huyện nâng công suất, tăng sản lượng, đạt mức doanh thu khá. Lĩnh vực sản xuất nước sạch cũng tăng đột biến, các doanh nghiệp tiếp tục khai thác, nâng công suất để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Đó là ba ngành hàng có chiều hướng tăng tương đối khá, góp phần mang lại giá trị sản xuất công nghiệp của huyện 6 tháng đầu năm 1.416,8 tỷ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ, đạt 50,6% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Thế Vịnh cho biết thêm: Đến nay, kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2016 đã đi được nửa già chặng đường song dự kiến rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, trong khi tình hình bất ổn ở một số nước châu Âu đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp may gia công dẫn tới đơn đặt hàng giảm, sản lượng không ổn định, vì thế ngành may sẽ có phần chững lại. Cùng với đó, Công ty TNHH Sao Vàng tạo việc làm ổn định cho hơn 900 lao động với thu nhập tương đối cao nhưng lại có xu hướng di chuyển nhà máy sang địa phương khác cũng một phần làm giảm tốc độ tăng trưởng công nghiệp của huyện. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực như Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Thuận Khang cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các ngành nghề truyền thống như sản xuất chiếu cói, chế biến bún bánh, làm hương của huyện cũng có biểu hiện giảm. Một số doanh nghiệp xây dựng chậm tiến độ chưa đi vào sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch. Đặc biệt, bão số 1 đổ bộ đã làm cho 39 cơ sở, doanh nghiệp của huyện bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 4,4 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất để khắc phục hậu quả do bão gây ra. Ông Vũ Tiến Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Đống Năm cho biết: Nếu cứ thuận buồm xuôi gió, giá gạch tăng cao như thời điểm đầu năm thì doanh nghiệp sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận cao. Nhưng đến tháng 5, giá gạch đột nhiên chững lại, sức tiêu thụ chậm đã dẫn tới tình trạng hàng tồn kho nhiều. Đặc biệt, bão số 1 đã làm hỏng hơn 5.000m2 sân phơi, tốc mái 500m2 lán phơi gạch, hỏng gần 2 triệu viên gạch mộc khiến Công ty bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, cùng một lúc Công ty vừa phải đối đầu với khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm lại vừa phải bỏ ra hơn 600 triệu đồng để khôi phục nhà xưởng sau bão. Dự kiến năm 2016, doanh thu của Công ty chỉ đạt khoảng 25 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giảm 20% so với mọi năm.

Như vậy, trong giai đoạn nước rút, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Hưng hầu như gặp nhiều khó khăn, chịu rủi ro từ nhiều phía. Để giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, tổ chức tốt công tác giải phóng mặt bằng cho những dự án đang có, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhanh chóng đi vào sản xuất. Đồng thời, động viên các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, nhất là những thị trường có sản lượng tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao song song với tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Thu Thủy

  • Từ khóa