Chủ nhật, 23/06/2024, 10:06[GMT+7]

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Thứ 3, 21/03/2017 | 19:02:42
986 lượt xem
Trong hai ngày 21 và 22-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Quỹ Citi, Quỹ Hợp tác Phát triển tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị với hơn 10 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề như các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển tài chính toàn diện trong khu vực, công nghệ phục vụ cho tăng trưởng và bảo vệ người tiêu dùng, tài chính toàn diện và cơ hội cho người nghèo, phụ nữ và thanh niên,…đồng thời nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy tài chính toàn diện, là cơ hội tốt để Việt Nam được chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong việc tổ chức triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam. “Tôi hy vọng Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề và giải pháp về chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính và vai trò của các bên liên quan nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy và tăng cường hợp tác hơn nữa về tài chính toàn diện trong khu vực” – đại diện NHNN bày tỏ.

Việt Nam hiện có hơn 60 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 52% lực lượng lao động toàn xã hội. Đây là nhóm đối tượng cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là thông qua tài chính toàn diện. Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng ưu tiên cho khu vực nông nghiệp nông thôn với nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực như các chính sách hỗ trợ tín dụng, khuyến khích đầu tư, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai...

“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn với các dịch vụ tài chính, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Do vậy, Việt Nam mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm và đồng hành của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để giúp chúng tôi xây dựng và triển khai tài chính toàn diện hiệu quả và bền vững tại Việt Nam” – bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện trên thế giới đã thu được những kết quả tích cực, giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với dịch vụ tài chính tốt hơn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện các chỉ số về tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

Tuy vậy, thế giới vẫn còn khoảng hai tỷ người chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thức, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân nghèo, phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác vẫn còn gặp phải nhiều rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính do thiếu khuôn khổ pháp lý đồng bộ, cơ sở hạ tầng tài chính phát triển chưa đồng đều và chưa được đầu tư thích đáng, kiến thức về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện còn chưa tập trung hướng tới nhóm đối tượng khách hàng như nêu ở trên, trong khi người dân đã có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ số một cách dễ dàng hơn.

Hơn thế, ngày càng có nhiều tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính mới xuất hiện làm thay đổi hình thức và tính chất thị trường và đang định hình ra xu hướng phát triển mới của tài chính toàn diện trong tương lai. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro về bảo mật thông tin, an toàn hệ thống. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải hài hòa các mục tiêu giữa tài chính toàn diện, hội nhập và bảo vệ người tiêu dùng để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện mang lại.

Theo nhandan.com.vn