Thứ 4, 03/07/2024, 02:11[GMT+7]

Hạnh phúc đong đầy của hai vợ chồng cùng là thương binh

Thứ 6, 13/07/2012 | 10:09:21
756 lượt xem
Cùng ông Trần Cao Thế, Trưởng ban TB - XH xã Vũ Lăng (Tiền Hải), chúng tôi về thôn Tam Ðồng để thăm gia đình ông Lê Tôn Quyền và bà Phạm Thị Loan - hai ông bà đều là thương binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nghe kể chuyện làm ăn, xem cơ ngơi mà ông bà tốn bao mồ hôi, công sức gây dựng lên càng làm cho chúng tôi khâm phục ý chí vượt lên số phận, phấn đấu để phúc phận gia đình ngày một dày thêm.

Mặc dù mất chân phải nhưng thương binh Lê Tôn Quyền vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất

Bước sang tuổi 61 nhưng giọng nói của ông Quyền còn sang sảng, ông hào hứng kể lại, hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng “Ðâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” và phát động của Ðoàn “Thanh niên ba sẵn sàng”, tháng 4/1969 ông tình nguyện nhập ngũ. Hoàn thành khóa huấn luyện trong binh chủng đặc công, Lê Tôn Quyền được điều vào mặt trận phía Nam đánh Mỹ. Thời điểm này Quảng Nam - Ðà Nẵng là mặt trận lúc nào cũng nóng bỏng và ác liệt. Ðịa danh ấy có nhiều căn cứ của địch như Núi Thành, Chu Lai, sân bay nước Nặm… được bố trí dày đặc lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại. Lê Tôn Quyền cùng đồng đội đã trải qua hàng chục trận chiến lớn nhỏ với các lực lượng địch.

Thời đó những người lính có câu: “Chỉ có mũi tên, hòn đạn tránh người”, đúng vào thời điểm “cáo chung của chế độ Mỹ - Ngụy”, tháng 4/ 1975  Lê Tôn Quyền bị thương, không thể tiếp tục bước cùng đồng đội đến tận sào huyệt kẻ thù. Lần đó, phân đội của Lê Tôn Quyền được giao nhiệm vụ tiến công sân bay nước Nặm, nhằm chặn đứng sự tiếp tế và tháo lui của địch khỏi mặt trận khu Năm. Trong lúc rút chạy khỏi Ðà Nẵng - Quảng Nam, để ngăn chặn sự truy đuổi của ta, địch đã dùng hỏa lực mạnh từ biển bắn vào; bom tấn từ máy bay thả xuống. Không may cho Lê Tôn Quyền một mảnh pháo tai ác đã cắt đứt chân phải của ông. Sau thời gian điều trị, Lê Tôn Quyền được chuyển về an dưỡng tại Ðoàn 153 (tỉnh Ðội Thái Bình) và về Trại thương binh Quang Trung (Kiến Xương), với thương tật hạng 3/4.

Bà Phạm Thị Loan, quê ở xã Tân Hòa (Vũ Thư), tháng 6 - 1972 thi đỗ tốt nghiệp cấp II cũng là lúc bà nhận được giấy báo trúng tuyển nhập ngũ. Bà được Tổng cục hậu cần (Bộ Quốc phòng) đưa về làm thủ kho cho Quân y viện 103 (nay là Học viện Quân y). Trong khi đang làm nhiệm vụ, đúng vào ngày đầu tiên của chiến dịch 12 ngày đêm “Ðiện Biên Phủ trên không” tại Thủ đô Hà Nội, bà Loan bị mảnh bom B52 găm vào người. Vết thương ổn định, cấp trên đưa bà về an dưỡng tại Trại thương binh Quang Trung (Thái Bình) với thương tật hạng 4/4. Tại đây, ngay những ngày đầu từ sự đồng cảm, tình yêu của hai thương binh Lê Tôn Quyền và Phạm Thị Loan đã nảy nở.  Anh em đồng đội cùng vun vén,  Ban lãnh đạo Trại tác hợp họ nên vợ thành chồng. Năm 1977, thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước (đưa thương binh về an dưỡng tại quê hương); vợ chồng ông Quyền làm đơn xin về quê ông: thôn Tam Ðồng, xã Vũ Lăng (Tiền Hải). Quê hương là “chùm khế ngọt”, nhưng thời bao cấp cả nước còn khó khăn đủ thứ, với vợ chồng ông Quyền là những ngày vất vả, cực nhọc.

Trước thực tế cả 2 bố mẹ già và 12 anh chị em phải cùng sinh hoạt trong mấy gian nhà tre nhỏ, ông Quyền bàn với vợ xin ra lập thổ mới. Nơi ông xin đất là khu quanh năm ngập nước, nơi đầu xóm cuối làng, nhiều người can ngăn. Tuy nhiên, với con mắt tinh nhạy và bản lĩnh của người lính đặc công năm xưa, ông Quyền khẳng định đây là thế đất tốt để làm kinh tế. Thế là hai vợ chồng không kể ngày đêm, chồng chống nạng thủ mai, vợ bốc đất san cao lấp trũng. Nơi trũng nhất là đào thành ao, nơi cao hơn tôn thành thổ. Như đôi ong cần mẫn, chẳng mấy lúc đã thành một khu đất đẹp, có ao, có vườn, lại liền đường liên thôn, liên xóm, bà con đi qua không chỉ khen tinh thần vượt khó mà còn khen con mắt tinh đời của hai vợ chồng ông Quyền. Tại nơi ấy, ông Quyền bà Loan còn tự đóng và đốt lấy gạch xây nhà. Khuôn viên nhà ông Quyền thật xinh xắn, nhà xây được thiết kế kiểu biệt thự mini, sân gạch trước nhà, tường bao, sau nhà là vườn, cạnh nhà có ao nuôi cá. Ao của gia đình diện tích tới hơn 2 sào được vỉa gạch cả 4 bờ vuông vức, gọn gàng, hệ thống nước ra, nước vào thuận lợi để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Ông Quyền nhẩm tính mỗi năm thu hoạch ao nuôi cá, trừ chi phí cũng cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng. Ông bà và hai vợ chồng người con trai út còn nhận một mẫu ruộng khoán. Hơn 60% diện tích được cấy bằng giống lúa chất lượng cao để ăn, còn lại cấy lúa thường để nuôi gà, nuôi vịt. Vụ xuân năm nay cả nhà có thể thu 2,4 - 2,5 tấn lúa.

Ông Quyền còn là hộ chăn nuôi giỏi. Ðàn vịt nhà ông nhiều năm nhiều nhất xã, đó cũng là nguồn thu nhập cao và nguồn cải thiện sinh hoạt cho ông bà, con cháu. Gia đình ông Quyền còn tham gia đấu thầu 8 sào đất bãi ven sông Trà Lý để trồng 100 khóm chuối (mỗi khóm 4 - 5 cây), cho thu hoạch 400 - 500 buồng/năm. Nếu mưa nắng ôn hòa và giá chuối ổn định (100 ngàn đồng/ buồng) thì nguồn thu này cũng đáng kể với một gia đình thuần nông như ông. Ðối với bà Loan, hạnh phúc lớn nhất là chồng khỏe mạnh, con cái trưởng thành. Ông bà sinh được 3 người con (hai gái, một trai), cả ba đều đã có tổ ấm riêng.  Phát huy truyền thống cách mạng của cha mẹ, con trai út Lê Ðình Chinh đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2005 về ở chung với bố mẹ góp sức xây dựng quê hương. Thừa hưởng đức tính cha mẹ, Lê Ðình Chinh không chỉ hay làm còn khéo tay…

Hiện tại Chinh đang  là thợ điện trong tổ dịch vụ điện năng của xã và mở một cơ sở hàn sắt. Cả nhà đều có thu nhập ổn định. Ông Quyền, bà Loan tâm  sự, với ông bà như vậy là viên mãn - bản thân khỏe mạnh, con cái thảo hiền, các cháu khỏe mạnh, vui tươi… hạnh phúc cứ đong đầy từng ngày. Chia tay với gia đình, ra ngõ quay lại nhìn đã thấy ông chống nạng đảo thóc phơi, bà đưa thóc từ bao ra, những hạt thóc như vàng hơn, mẩy hơn do kết tinh của trời đất, khoảng trời và mảnh đất có một phần xương máu của họ. Hài lòng với cuộc sống bình dị, luôn tin và theo Ðảng, đó là đức tính đáng quý mà tôi cảm nhận được từ cặp vợ chồng cùng là thương binh này.

 

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày