Thứ 5, 15/05/2025, 09:10[GMT+7]

Thương binh Trần Trọng Khiêm: Không cam chịu đói nghèo

Thứ 3, 17/07/2012 | 15:34:17
1,015 lượt xem
Về vùng đất tằm tang xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư hỏi người dân nơi đây về cựu chiến binh, thương binh 2/4 Trần Trọng Khiêm, ai cũng biết và hết lời ca ngợi. Ông không chỉ thành công với mô hình gia trại tổng hợp VAC làm giàu cho bản thân mà còn giúp cho 10 đồng đội vươn lên trong cuộc sống.

Bát ngát một màu xanh cây lá và đàn lợn, gà đông đúc trong chuồng, ngoài vườn là quang cảnh của gia trại được thương binh Trần Trọng Khiêm gây dựng hơn 20 năm qua. Không giống như nhiều hộ chăn nuôi khác, ông Khiêm chọn cho mình hướng đi riêng: Từ năm 1990, ông tập trung nuôi lợn nái sinh sản chất lượng cao để sản xuất giống cung ứng cho bà con trong vùng. Nuôi gà thả vườn theo phương pháp bán công nghiệp nên chất lượng ngon, dễ tiêu thụ và giá cao. Gần 4000m2 đất, ông dành 1/3 diện tích để làm lán trại chăn nuôi, còn lại làm vườn trồng cây ăn quả như: bưởi, nhãn, vú sữa, rau màu các loại và cải tạo làm ao thả cá. Ông Khiêm cho biết: “10 con lợn nái sinh sản giống siêu nạc mỗi năm 2 lứa; 6 lứa gà mỗi lứa hơn 200 con và thu hoạch từ vườn ao, mỗi năm trừ mọi chi phí cũng còn để ra được gần 100 triệu đồng”.

Cuối năm 1974, ông nhập ngũ vào đơn vị Đoàn 25 Công binh miền đông Nam Bộ cùng với đồng đội làm nhiệm vụ rà phá bom mìn của địch. Giải phóng miền Namon>, ông được điều động làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Trong một đợt tháo gỡ bom mìn tháng 12 năm 1982, ông bị thương vào mắt, hai chân và tay trên mặt trận 479. Trở vệ quê hương với tỷ lệ thương tật 45%, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều đêm ông trăn trở làm thế nào để giúp bố mẹ, vợ con thoát nghèo. Vốn có nghề truyền thống nuôi tằm, ươm tơ, ông vận động vợ con tập trung mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm, tăng sản lượng kén tơ, đầu tư vào cải tạo vườn, ao trồng cây, nuôi cá và làm lán chăn nuôi lợn, gà. Từ chỗ gia đình thuộc diện hộ nghèo trong thôn, đến nay kinh tế đã thuộc vào hàng khá, giàu, con cái học hành thành đạt.

Để thành công như ngày hôm nay, ngoài mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, chăm chỉ lao động, ông Khiêm cũng chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật sản xuất chăn nuôi qua các lớp chuyển giao KHKT do xã và huyện hội cựu chiến binh tổ chức, tự tổng hợp kiến thức từ sách, báo, ti vi và nghe đài, từ đó rút kinh nghiệm. Nhờ vậy hiệu quả chăn nuôi cao. Là người thành công trong phát triển kinh tế, ông Trần Trọng Khiêm rất chân tình chia sẻ giúp nhiều người dân và hội viên cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo. Đã có hàng chục hội viên CCB của chi hội Tương Đông và nhiều bà con trong thôn được ông giúp đỡ con giống theo hình thức trả chậm. Một trong số những người được ông chỉ bảo cách làm ăn và giúp đỡ con giống, ông Hoàng Xuân Khoái bộc bạch: “Nhờ kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi của ông Khiêm chia sẻ mà đàn vật nuôi gia đình tôi không bị dịch bệnh và chóng lớn. Biết nhà tôi khó khăn, ông còn giúp con giống trả chậm đến khi xuất chuồng mới trả tiền gốc, không lấy lãi”.

Mỗi khi trái gió, trở trời vết thương cũ lại tái phát hành hạ, nhưng ghi nhớ lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, hơn 20 năm qua chưa bao giờ ông nhụt chí mà vẫn tiếp tục vượt lên để cùng với gia đình cũng như nhân dân trong thôn xây dựng cuộc sống ấm no. Khi đưa chúng tôi tới thăm gia đình thương binh Trần Trọng Khiêm, ông Phạm Công Nhàn - Chủ tịch hội CCB xã Hồng Phong nói: Gia trại của đồng chí Khiêm hoạt động rất có hiêäu quả đã giúp cho cá nhân đồng chí làm giàu và nhiêàu hôäi viên khác xoá đói giảm nghèo.Thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền, phát động hội viên CCB trong toàn hội học tập đồng chí Khiêm để nhân rộng mô hình này giúp cho các gia đình CCB phát triển kinh tế.

                          Bài, ảnh: Khắc Duẩn

                        (Đài Phát thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày