Chủ nhật, 04/08/2024, 19:19[GMT+7]

Đưa nghề về địa phương

Thứ 6, 17/08/2012 | 15:00:05
1,027 lượt xem
Cùng thời với bà Báu nhiều phụ nữ ở chốn thôn quê chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng, chuyện kinh tế trong gia đình dành lại cho đàn ông đảm nhận. Nhưng với bà Báu thì mọi việc lại khác.

Khu sản xuất hương của cơ sở Hoàng Thị Báu

Cách đây hơn 10 năm bà đã bán cả thóc, huy động mọi nguồn vốn từ các con, người thân để phát triển, du nhập nghề mới về địa phương. Mặc dù hiện nay đã ở trên tuổi 60 nhưng bà vẫn là chủ cơ sở sản xuất lớn tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thôn Nam xã Đông Phương - là xã không có nghề truyền thống, từ khi hơn 40 tuổi bà Hoàng Thị Báu đã không chịu đói nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Ngày đó không có nhiều nghề như hiện nay đặc biệt là không có nhiều vốn để làm ăn lớn. Do vậy bà đã phải nghĩ làm nghề gì để vừa nâng cao thu nhập gia đình vừa không mất nhiều vốn. Bà quyết định đến với nghề móc sợi và tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động trong và ngòai xã. Vài năm sau bà phát triển thêm nghề dệt thảm tạo việc làm cho trên 30 lao động và 4 năm gần đây bà tiếp tục du nhập phát triển thêm nghề làm hương tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã. Bà Báu cho biết: lý do phát triển nghề là do thấy người dân địa phương có nhiều thời gian nhàn rỗi nhưng đời sống lại thấp, không có nguồn thu nhập. Mặc dù nguyện vọng hàng đầu là để nâng cao thu nhập của chính gia đình mình nhưng bên cạnh đó là tạo việc làm cho các lao động nhàn rỗi trong nông thôn để họ bớt đi khó khăn trong cuộc sống.

Cũng vì lẽ đó mà đến nay mặc dù nghề làm thảm không đem lại lợi nhuận cao cho bà nhưng bà vẫn duy trì phát triển nghề để các hộ dân có thêm thu nhập. Bởi lẽ khi phát triển nghề này bà đã đầu tư hàng chục triệu đồng cung cấp khung và len cho 37 hộ dân với gía bình quân trên 3 triệu đồng/khung. Hiện nay trung bình mỗi hộ làm được 2-3 bộ thảm/tháng, các hộ dân chỉ việc bỏ công ra làm và ăn theo sản phẩm trung bình thu lãi từ 1,5-1,7 triệu đồng/người/tháng, còn chủ cơ sở như bà chỉ lãi được vài chục nghìn/bộ. Do đó bà vẫn xác định duy trì nghề thảm để tạo việc làm tăng thu nhập cho các lao động là chính. Phát triển từng đó nghề vẫn chưa đủ để bà hài lòng với mức thu nhập của mình bởi bà cho rằng nghề móc sợi đem lại thu nhập không cao, thị trường tiêu thụ không ổn định kéo theo thu nhập của lao động ngày càng thấp.

Do đó bà đã không theo nghề móc sợi và chuyển sang làm hương. Trước khi quyết định đến với nghề này bà đã lặn lội đi tìm kiếm thị trường ở Hà Tây, học hỏi cách làm và tìm hiểu kỹ lưỡng đầu ra của sản phẩm. Ngày đầu bước vào nghề bà cũng phải đầu tư khá nhiều vốn để nhập nguyên liệu. Mới đầu các công đoạn làm hòan toàn bằng thủ công nên bà đã thu hút hàng trăm lao động ở địa phương. Cách đây 4 năm về trước, cứ mỗi lần xe về cả làng chạy ra lấy hàng tập trung chẻ chân hương. Đặc biệt từ người già tới trẻ con ai cũng làm được nên ngày đó cơ sở của bà lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp, các lao động có thêm thu nhập trung bình từ 600-700.000đồng/người/tháng.

Tới năm ngoái sau khi học hỏi được nhiều mô hình mới bà đã đầu tư trên 100 triệu đồng mua 10 máy làm hương và 2 máy chẻ chân hương đẩy nhanh công suất lao động lên từ 240-270 que/phút. Được sự tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương năm 2011 bà đã chuyển ra khu đất mới với diện tích 450m2 để thuận lợi hơn trong sản xuất. Từ khi sản xuất bằng máy đến nay trung bình cơ sở của bà xuất gần 100 tấn hương/năm, cao gấp gần 10 lần so với thời kỳ làm thủ công, riêng 6 tháng đầu năm 2012 cơ sở xuất gần 40 tấn. Để bảo đảm mặt hàng của mình,nhiều nguyên liệu bà phải nhập ở miền nam và các địa phương khác như chất bám, keo, mùn cưa, than hoa... Trung bình mỗi tháng cơ sở của bà nhập từ 7-8 tấn nguyên liệu với số vốn trên 100 triệu đồng.  Sản phẩm này chỉ làm phần thô, chưa có hương liệu, phơi khô, đóng gói và xuất sang thị trường ấn Độ.

Từ ngày làm hương đến nay chưa bào giờ bà bị ế hàng, làm đến đâu xuất hết đến đó. Với công suất lao động như trên trung bình mỗi tháng bà thu lãi gần 20 triệu đồng, tạo công ăn việc làm trong lúc nông nhàn cho trên 20 lao động với thu nhập ổn định trên 1 triệu đồng/người/tháng. Để động viên các lao động hăng say làm việc bà đã thực hiện khoán theo hiệu quả công việc, thưởng theo số lượng. Do vậy nhiều lao động đã tích cực làm đem lại thu nhập đạt gần 2 triệu đồng/tháng, điển hình như chị Đặng Thị Giang, người có mệnh danh là làm nhanh như điện hàng ngày chị đều đến sớm về muộn, tranh thủ làm hết thời gian nhàn rỗi với công suất trung bình là 10kg tăm/ngày.

Trong thời gian tới bà báu sẽ phát triển thêm 20-30 máy làm hương, tiếp tục tạo việc làm cho hàng chục lao động. Nhiều năm nay bà đã được các cấp từ tỉnh đến huyện khen thưởng, được các cấp Hội Phụ nữ đánh giá cao vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế.

                                                         Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày