Chủ nhật, 04/08/2024, 05:17[GMT+7]

Bà Phạm Thị Sửu - "Xế chiều" vẫn quyết tâm làm giàu

Thứ 3, 02/10/2012 | 10:02:29
777 lượt xem
Đến thăm cơ sở trồng nấm của bà Phạm Thị Sửu, khu công nghiệp Đông La (Đông Hưng), chúng tôi thật sự bất ngờ trước cơ ngơi khang trang, bề thế mà bà bỏ bao tâm huyết, công sức gây dựng khi đã bước vào tuổi 55.

Bà Phạm Thị Sửu đang kiểm tra sự nẩy mầm của nấm

Năm 2003, bà Sửu mạnh dạn đứng lên thuê đất, san lấp mặt bằng, mở cơ sở sản xuất nấm trên diện tích 7000 m2. Bà chọn trồng nấm vì muốn làm giàu, muốn cung cấp cho người tiêu dùng một sản phẩm rau sạch, bảo đảm sức khỏe, nhưng hơn hết là muốn tạo công ăn, việc làm cho những người tàn tật, người già, phụ nữ khó khăn, cơ nhỡ… dù không có tay nghề. Bởi làm nấm có nhiều công đoạn dành cho lao động phổ thông.

Để trở thành bà chủ của một căn biệt thự sang trọng, có vườn cảnh, hồ nước thoáng đãng, 4000 m2 nhà xưởng trồng nấm, 12 gian hàng vừa sản xuất, vừa bán hàng gỗ thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng, bà Sửu đã phải nỗ lực gấp nhiều lần những người trẻ tuổi. Với cách đi của con nhà nghèo: Thuê người đóng gạch, đốt lò rồi lấy gạch đó xây tường bao và nhà xưởng. Bà khăn gói lên tận Viện Di truyền (Hà Nội) học kỹ thuật làm nấm suốt một tháng trời, về truyền đạt lại cho công nhân. Sản xuất nấm đơn giản mà không đơn giản chút nào, bởi nó có rất nhiều công đoạn, như nấm mèo, nấm mỡ không dưới 10 công đoạn mà một năm chỉ trồng được một lần, chỉ có nấm sò tuy nhiều công đoạn song có thể trồng và thu hoạch 3 vụ/năm.

Theo bà Sửu “kẻ thù” của những người làm nấm thủ công chính là thời tiết. Nhiều nhà đầu tư trồng nấm đến lúc thu hoạch, ông trời nổi hứng mưa liền mấy ngày thế là nấm thối hết, mất cả vốn lẫn lãi, có người vì tiếc của mà phát ốm. Bà Sửu cũng đã có lần khóc dở, mếu dở vì ông trời không thương, nhưng nhờ có thâm niên và kinh nghiệm trong trồng nấm nên giảm được tối đa thiệt hại. Sản phẩm nấm do cơ sở của bà sản xuất chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và ở Hải Phòng. Thời hoàng kim của nấm, mỗi năm bà xuất vài chục tấn nấm thương phẩm, thu về hàng tỷ đồng. Vài năm gần đây, thị trường nấm bị thu hẹp, diện tích trồng nấm của bà co dần từ 7000 m2 xuống 4000 m2, mỗi năm xuất gần chục tấn, các khoản đóng góp cho nhà nước cũng giảm chỉ còn trên 20 triệu đồng.

Thấy trồng nấm khó khăn, bà Sửu nghiên cứu thị trường và quyết định tiến quân vào lĩnh vực sản xuất, buôn bán đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Không vất vả như làm nấm song doanh thu lại cao hơn nấm, bà khoe. Hai cậu con trai đã lập gia đình đều thành đạt, cơ sở sản xuất nấm, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ đang ăn ra, làm nên, người lao động được quan tâm, đãi ngộ luôn gắn bó và làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao…

Đó đã là tất cả niềm vui của bà chưa? Tôi hỏi. Bà Sửu cười nói: Đó chỉ là một nửa, giao tiếp với bạn bè cao niên, tham gia các hoạt động của Hội NCT, cố gắng kiếm tiền để giúp đỡ ngày càng nhiều những người có hoàn cảnh khó khăn cũng là niềm vui, sự quan tâm bấy lâu nay của tôi. Tấm lòng của bà thật cao cả.

Bài, ảnh: Thu Hiền

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày