Thứ 3, 31/12/2024, 03:42[GMT+7]

“Em đã sống, bởi vì em đã thắng”

Thứ 6, 02/11/2012 | 10:45:33
1,682 lượt xem
Sinh năm 1969. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thái Bình năm 1989. Lâm bệnh hiểm nghèo năm 1999. Sáu tháng nằm trên giường bệnh. 13 năm sống chung với căn bệnh nan y. Từ cõi chết trở về. Ðó là cô giáo Lê Thị Hoài, Trường THCS Thụy Tân (Thái Thụy).

Cô giáo Lê Thị Hoài, Trường THCS Thụy Tân tham luận tại hội nghị

Ngồi lặng lẽ ở cuối hội trường, cô giáo Hoài không có gì nổi bật trong những đóa hoa đẹp về dự Hội nghị tổng kết phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Sở Giáo dục - Ðào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức vào một ngày thu cuối tháng 10. Chỉ đến khi cô bước lên bục phát biểu, với bộ áo dài truyền thống màu vàng, càng tôn thêm nét dịu dàng, duyên dáng; thì thật bất ngờ, cô nói đến đâu, cả hội trường cứ lặng im phăng phắc. Giọng cô lúc bổng, lúc trầm như cứa, như xát vào gan ruột người nghe những thanh âm đớn đau. Cô kể một cách rất tự nhiên về cuộc đời mình, giống như một thước phim quay chậm, đầy nước mắt nhưng cũng thật cảm phục, bởi nghị lực phi thường của cô cũng như tấm lòng chan chứa yêu thương của chồng, con, bạn bè đồng nghiệp; của người biết cô và cả không biết về cô. 

“Thật không may cho bản thân tôi, năm 1999, tôi bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, hai cháu còn nhỏ, lên 8 và lên 3 tuổi. Tôi gửi cháu lớn Lê Thị Phương Anh cho bà nội nuôi; cháu bé Lê Quỳnh Trang được công đoàn trường THCS và trường Mầm non xã Thụy Tân nhận nuôi và chăm sóc. Chồng tôi, một kỹ sư, chủ nhiệm HTX nông nghiệp phải nghỉ công tác để đưa tôi đi chữa bệnh dài ngày. Khi bác sĩ thông báo cho gia đình rằng: tôi bị bệnh hiểm nghèo, không chắc đã sống được qua 6 tháng; những bệnh nhân mắc bệnh này đều phải trải qua phẫu thuật và hóa trị liệu, đau đớn về thể xác và mệt mỏi về tinh thần, tốn kém tiền của; tôi đã suy tính liệu có nên tiếp tục chạy chữa không? Nếu chữa thì tiền đâu? Sẽ sống được bao lâu hay lại “tiền mất, tật mang?”. Lúc này, tôi nhận được nhiều, rất nhiều sự động viên chia sẻ của người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... Vì thế, tôi cố gắng vượt lên nỗi đau, gắng gượng giành lại sự sống. Suốt 6 tháng trời liên tục, tôi nằm ở viện K, nhận được rất nhiều thư của các em học sinh liên đội nhà trường... Có em còn dành dụm cả tiền ăn sáng, tiền mừng tuổi... gửi cho cô chữa bệnh. Con gái lớn của tôi lúc đó học lớp 2, trong thư đã viết “Mẹ ơi, mẹ đừng chết, con sẽ chăm học mẹ nhé. Con yêu mẹ”. Kèm theo mỗi lá thư thấm đẫm nước mắt, là những bài tập kiểm tra điểm cao để động viên mẹ. Một em học sinh quê ở Thanh Hóa cùng nằm viện, viết cho tôi một bức thư trước khi mất: “Cô ơi! Con cảm ơn cô những tháng ngày con được bên cô chữa bệnh. Cô vừa là bạn, vừa là cô giáo dạy con, chỉ khác là lớp học của chúng ta chỉ có con và cô, không có bảng đen, phấn trắng, con đường con đi đã hết... Con chúc cô mạnh khỏe, nghị lực và đi tiếp con đường phía trước, bởi vì cô còn có 2 em”. Ròng rã 6 tháng trời nằm viện, tôi mong mỏi phút giây ra viện được về gia đình, ôm 2 con vào lòng mà vỗ về yêu thương. Tôi tình nguyện là bệnh nhân thử nghiệm phương pháp điều trị mới. Tôi nghĩ mình có thể chết, nhưng nếu sống thì tôi sẽ mang niềm vui cho mọi người. Tôi đã trải qua 2 lần phẫu thuật và 6 lần điều trị hóa chất”. Nghị lực, tấm lòng của thầy thuốc, tình cảm của bạn bè... Ðã kéo cô ra khỏi tay thần chết. Nhưng qua được khúc quanh này, lại gặp khúc quanh khác, cô kể: “Ngày mới ra viện, tôi bị ngộ độc thuốc, hệ thần kinh bị tê liệt, tôi bị mất trí nhớ, ngay cả tên người thân cũng không nhớ nổi. Lúc đó, mẹ chồng tôi và bạn bè thường xuyên kiên trì giúp tôi tập luyện và hồi phục trí nhớ. Thật không thể tin nổi, một đời người hai lần tập đi, hai lần tập nói. Và cũng thật tuyệt vời, tôi đã hồi phục trong tình yêu thương của mọi người”.

Những năm gần đây, sức khỏe tuy còn yếu nhưng cô vừa chữa bệnh, vừa tham gia công tác. Lớp 9 do cô làm chủ nhiệm luôn dẫn đầu toàn trường. Bản thân cô nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Cả hai kỳ Hội khỏe Phù Ðổng cấp tỉnh, lớp của cô đều có học sinh đạt huy chương vàng môn bóng đá. Năm học 2011 - 2012, đội tuyển Aerobic của cụm do cô huấn luyện đạt giải nhất huyện. Là trường ở vùng sâu, vùng xa của huyện Thái Thụy, điều kiện khó khăn, cô luôn có ý thức làm đồ dùng dạy học, chú trọng đổi mới phương pháp dạy; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao trong các ngày hội giảng. Sáng kiến “bảo vệ môi trường” của Liên đội Trường THCS Thụy Tân trong việc thu lượm vỏ chai, bao bì thuốc trừ sâu, bắt ốc bươu vàng... Ðược Công ty bút bi Thiên Long phối hợp với Ðài Truyền hình Việt Namon> làm phóng sự phát trên kênh VTV2.

Cô kể lại với giọng nói tràn đầy niềm xúc động rằng: Tôi cảm thấy thật ấm áp trong tình cảm của đồng nghiệp, bạn bè, gia đình. 13 năm qua đối với tôi là 13 năm đối mặt với những khó khăn vất vả, đã phải vay mượn rất nhiều và bán đi tất cả những gì có thể để chữa bệnh và nuôi 2 con ăn học. Cháu bé lúc 5 tuổi đã cùng cô giáo dự cuộc thi Tìm hiểu pháp luật và công đoàn - đạt giải nhì cấp tỉnh. Năm 11 tuổi, cháu đạt giải đặc biệt trong cuộc thi Âm nhạc trang phục học đường do Phòng GD-ÐT Thái Thụy tổ chức là người dẫn chương trình hay nhất hội thi. Các năm học, hai cháu đều đạt học sinh giỏi, thi đỗ vào trường Nguyễn Ðức Cảnh và nhận học bổng của quỹ hỗ trợ MERIT. Cuối cùng, cô nói rằng: Trong hội nghị này, thực sự tôi không muốn kể nhiều về bản thân. Nhưng muốn nói với tất cả mọi người rằng: Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta dũng cảm, có nghị lực vượt lên khó khăn, vượt lên  bệnh tật, vượt lên chính mình, ta sẽ là người chiến thắng”.

Xin được lấy những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để làm tiêu đề và cũng thay cho đoạn kết của bài viết này “Em đã sống, bởi vì em đã thắng/ Em sẽ bước trên đôi chân tuổi trẻ/Ðôi gót đỏ lại trở về quê mẹ/Em sẽ đi trên đường ấy thênh thang”...

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày