Thứ 2, 22/07/2024, 19:04[GMT+7]

Người cán bộ dân số vùng biển luôn hết mình với công việc

Thứ 3, 02/08/2011 | 08:57:34
1,679 lượt xem
Đó là lời nhận xét của người dân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải về anh Bùi Như Quang, người cán bộ chuyên trách dân số năng nổ, nhiệt tình với công việc.

Tuyên truyền cho người dân vùng biển về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.

Địa bàn nơi anh quản lý là xã ven biển với số dân đông 6.674 nhân khẩu, lại là vùng có số bà con theo đạo thiên chúa chiếm 23%, nên việc vận động, tư vấn cho người dân về công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình đối với anh gặp nhiều khó khăn.

Trải qua 24 năm làm công tác trong ngành y tế và dân số (trong đó ngành dân số anh gắn bó 11 năm). Ở cương vị nào anh cũng đều phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhớ lại những ngày mới hoạt động công tác dân số anh không khỏi băn khoăn, lo lắng để hoàn thành công việc.

Anh tâm sự: Làm công tác dân số đối với nữ giới đã khó đối với nam giới còn khó khăn gấp bội phần. Chẳng hạn, khi đi đến các gia đình tuyên truyền về vòng tránh thai hay bao cao su mặt cứ đỏ lên vì ngại. Vượt qua mặc cảm cùng với những kinh nghiệm tích luỹ được trong nhiều năm công tác, tôi đều hoàn thành tốt công việc của mình.

Năm 2000 đang hoạt động trong ngành y tế anh được điều chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực dân số. Với một người có trình độ chuyên môn là y tá, việc tuyên truyền, vận động đối với anh có nhiều thuận lợi. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của anh trong công việc là tâm lý người dân vùng biển thích đông con để có nguồn nhân lực, đặc biệt là con trai.

Ở vùng biển quê anh, cứ 1000 lều trông coi ngao vạng thì cần đến 1000 lao động là nam giới, còn đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ cần trung bình 20 lao động/tàu, tàu trung bờ là 12 lao động/tàu, gần bờ 5-6 lao động/tàu nên vận động làm sao để cho người dân hiểu không sinh nhiều con là một công việc không phải một sớm một chiều mà thực hiện được. 

Hơn nữa, việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số-KHHGĐ đối với người dân vùng biển còn hạn chế, ý thức giữ gìn vệ sinh về sức khoẻ sinh sản chưa cao; việc vận động mất nhiều thời gian do kinh tế của các hộ gia đình trong xã chủ yếu sống bằng nghề biển, nhiều chị em phụ nữ cùng chồng và con cái đi đánh bắt dài ngày nên cán bộ dân số rất khó gặp để tuyên truyền. Nhưng với kinh nghiệm của một người dân vùng biển, anh nắm rõ lịch trình đi biển của các hộ, tranh thủ những ngày nghỉ anh đến từng gia đình để vận động.

Quá trình làm việc anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới những trường hợp sinh con một bề đang có ý định sinh thêm để tập trung tuyên truyền ngay từ đầu. Anh phân tích những điều hơn lẽ thiệt của việc sinh nhiều con, khuyên nhủ các gia đình nên dừng lại ở hai con để tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy cho tốt.

Với anh, người làm công tác dân số ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc và kiên trì vận dụng những kiến thức, hiểu biết để hoàn thành nhiệm vụ còn phải biết tranh thủ sự ủng hộ của các ban ngành đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh...

Vì thế, anh rất tích cực học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tranh thủ cơ hội để tuyên truyền, vận động bà con làm công tác dân số, thông qua các cuộc họp đoàn thể. Trong các cuộc họp trên tỉnh hay huyện anh không bao giờ vắng mặt. Những cuộc họp đó chính là cơ hội để anh tiếp cận được những chủ trương chính sách mới, những thay đổi về công tác dân số để về tuyên truyền cho hợp lý.

Mưa dầm thấm lâu, bằng ý chí và nghị lực cùng với sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự quý mến của bà con nhân dân trong xã, nhiều gia đình đã chấp nhận sinh ít con để tập trung cho việc nuôi dạy và làm kinh tế. Điển hình là gia đình anh Giang Văn Ninh và chị Phạm Thị Phúc thôn Quang Thịnh đã sinh 2 con gái, được sự tư vấn của anh Quang nhất định không sinh thêm để tập trung làm kinh tế và nuôi các cháu ăn học. Hiện tại kinh tế anh chị khá giả, hai cháu chăm ngoan, học giỏi.

Nhờ những cách làm hay cộng với sự nhiệt tình năng nổ mà nhiều năm qua tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 ở vùng ven biển Nam Thịnh đã giảm dần qua từng năm. Năm 2001 tỷ lệ sinh đạt 2,13%, đến năm 2010 giảm xuống còn 1,64%, Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 2001 là 26,9% đến năm 2008 giảm xuống còn 19,0%. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai đạt 75%, số chị em phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh sản đã giảm. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ con thứ 3 của xã đã giảm 9,25% so với 6 tháng 2010.

Thành công của anh ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự ủng hộ từ gia đình. Vợ anh là giáo viên nên rất hiểu và thông cảm với công việc của chồng. Chị luôn là chỗ dựa để anh yên tâm công tác. Mong ước lớn nhất của anh là bà con vùng biển hãy xoá bỏ quan niệm có “con trai nối dõi tông đường”, “đẻ nhiều con trai để có nhân lực đi biển”.... mà nâng cao nhận thức “Gia đình chỉ một, hai con. Ấm no, hạnh phúc, nước non mạnh giàu”...để cuộc sống sung túc, không còn cảnh nghèo khó, cực nhọc.

Giờ đây khi về Nam Thịnh, từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát, đường bê tông thoáng rộng, nhiều gia đình giàu lên từ biển, con cái chăm ngoan, học giỏi. Trong sự giàu có, sung túc đó phần nào có bóng dáng của người cán bộ dân số nhỏ bé Bùi Như Quang hàng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động bà con trong xã thực hiện tốt chính sách dân số-KHHGĐ.

Nguyễn Mạnh Cường
(Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình)

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày