Thứ 5, 04/07/2024, 05:27[GMT+7]

Khai mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ 5, 11/01/2018 | 07:52:19
681 lượt xem
Sáng 10-1, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiến hành phiên họp thứ 20, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Diễn ra trong một ngày rưỡi, Ủy ban TVQH xem xét và cho ý kiến về nhiều nội dung, trong đó cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của ba dự án luật: Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật Ðơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban TVQH quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; xem xét việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, tỉnh Ðác Lắc. Theo chương trình làm việc, tại phiên họp này, Ủy ban TVQH nghe báo cáo về công tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF- 26).

Buổi sáng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2015. Theo đó, KTNN đề xuất có nghị quyết của Ủy ban TVQH quy định chi tiết việc xử lý vi phạm pháp luật về KTNN, được nêu tại Ðiều 71 của Luật KTNN. Thời gian qua, số kiến nghị kiểm toán của KTNN không được các đơn vị thực hiện còn cao, làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật. Nguyên nhân do hệ thống pháp luật về KTNN ở nước ta hiện nay chưa đầy đủ và đồng bộ; còn thiếu các quy định về chế tài; trong đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN...

Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, chỉ QH mới có quyền ban hành quy định thẩm quyền xử phạt hành chính. Hơn nữa, theo một số đại biểu, việc xử phạt vi phạm hành chính có liên quan quyền tài sản, quyền con người, cho nên phải điều chỉnh bằng luật do QH ban hành, không phải bằng nghị quyết do Ủy ban TVQH ban hành... Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban TVQH không ban hành nghị quyết theo đề nghị của KTNN có nội dung quy định thẩm quyền xử phạt hành chính. KTNN cần tổng kết, rà soát lại tất cả nội dung của luật hiện hành, trình QH sửa Luật KTNN vào thời điểm thích hợp trong thời gian tới.

Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao (Bình Thuận) và dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng (Ðác Lắc). Theo báo cáo giải trình, dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao được phê duyệt từ năm 2008, đến nay đã chín năm. Các chính sách, chế độ có nhiều thay đổi, làm cho tổng mức đầu tư tăng cao, dẫn đến số vốn được bố trí 470 tỷ đồng không đủ để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, cắt giảm một số nội dung trong hợp phần xây dựng để chuyển 170 tỷ đồng sang hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH khẳng định, Ủy ban TVQH rất ủng hộ việc thực hiện các công trình thủy lợi để phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Ðề nghị Chính phủ báo cáo rõ một số nội dung như: mức điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư là bao nhiêu, lý do tăng tổng mức đầu tư..., sau đó trình Ủy ban TVQH một lần để sớm hoàn thành công trình, phục vụ nhu cầu của nhân dân tại địa phương. Ủy ban TVQH đề nghị, Chính phủ cần rà soát lại tất cả các công trình thủy lợi khác có tình trạng tương tự để báo cáo tổng thể, đầy đủ với Ủy ban TVQH trong phiên họp gần nhất.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) của QH, tại Kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV, các đại biểu QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban QP-AN đã chủ trì, phối hợp Thường trực Ban soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Thường trực Ủy ban QP-AN tán thành sự cần thiết phải ban hành luật; đồng thời, rà soát, chỉnh lý nội dung dự thảo luật theo hướng: Chỉnh lý phạm vi điều chỉnh, khái niệm an ninh mạng cho rõ ràng hơn, tách bạch với phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) và khái niệm ATTTM. Ðồng thời, lược bỏ những nội dung về ATTTM trong dự thảo luật này; cụ thể hóa những nội dung có liên quan việc hạn chế quyền con người, quyền công dân...

Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), chung quanh nhiều nội dung về: quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ; kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng; Quân đội nhân dân; Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Hội đồng QP-AN; về quy định trưng mua, trưng dụng tài sản... được nêu trong dự thảo luật.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày