Thứ 5, 04/07/2024, 05:25[GMT+7]

Khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ 3, 13/03/2018 | 08:01:58
506 lượt xem
Ngày 12-3, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổ chức phiên họp thứ 22, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp thứ 22 diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 (ngày 12 đến 13-3), Ủy ban TVQH cho ý kiến về: dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và Bản đồ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đợt 2 (ngày 19 đến 20-3), Ủy ban TVQH tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH; thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… Tiếp đó, thảo luận về dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, các ý kiến nêu rõ: Đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, đã quy định hẹp hơn so với Nghị định 67/NĐ-CP. Theo đó, chỉ hỗ trợ gia đình, cá nhân nông dân có diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hằng năm... nhưng Nghị định 67 quy định rộng hơn, bao gồm tất cả pháp nhân và cá nhân. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ hơn về đối tượng được nhận hỗ trợ, phân loại hợp lý, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng. Đồng thời, xác định phương thức hỗ trợ kinh phí bảo đảm cấp phát ngân sách kịp thời, tránh lạm dụng, không công bằng, thất thoát kinh phí ngân sách nhà nước.

Theo dự thảo Nghị định, mức hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phải phù hợp giá tối đa quy định tại Thông tư số 280/TT-BTC ngày 14-11-2016 của Bộ Tài chính, tức là bằng hoặc thấp hơn giá tối đa. Nhưng nếu quy định như vậy, dễ xảy ra trường hợp mức hỗ trợ thấp hơn giá tối đa, nhưng lại lớn hơn giá thực tế cần được hỗ trợ. Các ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, minh bạch nội dung này để tránh hiện tượng trục lợi, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Phần lớn ý kiến cho rằng, trên cơ sở rà soát toàn diện các chính sách, quy định, kết quả tổng kết việc thực hiện Luật Giáo dục thời gian qua, dự thảo luật đã tập trung sửa đổi những nội dung thật sự bức xúc, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung chưa đáp ứng kỳ vọng của xã hội, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra, nhiều quan điểm chỉ đạo của Đảng và nội dung Hiến pháp chưa được thể chế hóa, chưa đặt giáo dục đúng vị trí là “quốc sách hàng đầu”. Các điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong bối cảnh giáo dục mới chưa được tiếp cận... Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục có chất lượng. Đồng thời, cần nghiên cứu để đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai chính sách giáo dục mới.

Sáng cùng ngày, Ủy ban TVQH thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày