Thứ 3, 23/07/2024, 13:23[GMT+7]

Cấp bách và cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát biển

Thứ 4, 11/04/2018 | 07:54:11
516 lượt xem
Sáng 10/4, tại phòng họp Tân Trào – Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 23 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp được tiến hành từ ngày 10 -17/4/2018.

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Trong sáng nay, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: sau khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Pháp lệnh). Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam.

Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung một lần năm 2008), Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế; mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hữu nghị, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.

Hiện nay, Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới. Vì vậy, dẫn tới nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn.

Tuy nhiên, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay mới là Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 49 Điều.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp và báo cáo thẩm tra dự thảo luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, cả cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp đều cho rằng còn nhiều vấn đề mà Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm: Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam… 

Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Võ Trọng Việt đề nghị, để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng nhất là trong tình hình hiện nay, Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Võ Trọng Việt, mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó, có nhiệm vụ chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác…Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, để bảo đảm trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc: một tổ chức có thể làm được nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một tổ chức chịu trách nhiệm...

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu ý kiến trên để quy định quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo với quyền hạn của các lực lượng khác trên biển…/.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày