Chủ nhật, 19/05/2024, 02:27[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình những tháng đầu năm 2017

Thứ 6, 09/06/2017 | 16:42:53
1,223 lượt xem
Ngày 9/6, Quốc hội làm việc cả ngày tại hội trường để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội trường.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội điều khiển phiên họp.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia phát biểu đánh giá nhận định với sự quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và sự điều hành linh hoạt, quyết liệt, sát thực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đạt kết quả khá toàn diện tuy nhiên vẫn còn nhiều những hạn chế, bất cập. 

Đại biểu đã bổ sung thêm một số nguyên nhân những hạn chế là: 

Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành chưa được cụ thể hóa cho từng ngành, từng lĩnh vực. Các chủ trương, các cơ chế chính sách, các luật chuyên ngành, một số chính sách của Nhà nước do không cân đối được nguồn vốn nên các dự án không triển khai được hoặc kém hiệu quả.  

Việc phân cấp quản lý, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chưa mạnh, chưa hiệu quả; chưa xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương.  

Công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tuy nhiên vẫn có nhiều rào cản chưa thông thoáng.

Công tác kiểm tra, thanh tra còn chồng chéo, gây phiền hà cho địa phương và doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao. 

Chưa có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội; chưa tạo nên niềm tin thực sự của nhân dân đối với chính quyền.

Để đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, đại biểu đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như:

1- Cần khẩn trương triển khai một số luật chuyên ngành như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng,...gắn với thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết 35, Chỉ thị số 20 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thực sự coi doanh nghiệp là động lực, là đầu tàu của nền kinh tế quốc gia, của mỗi địa phương, “Giúp doanh nghiệp vươn mình để phát triển”.  Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để kịp thời tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Thực hiện phân cấp mạnh, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và địa phương; tạo cơ chế chính sách đặc thù để các địa phương nâng cao tính năng động, chủ động và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

2- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có giải pháp đột phá để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ban hành cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền, thời gian cho thuê, định hướng giá cho thuê, phương thức thanh toán...để thu hút đầu tư phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chất lượng cao gắn với công nghiệp phục vụ dịch vụ nông nghiệp; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những thương hiệu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu quốc gia, đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Phát triển sự hiện diện và mối liên kết giữa “ năm nhà”: “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng”, trong đó, doanh nghiệp là vai trò quan trọng, là động lực, là đầu tàu trong việc phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.  Đồng thời, có biện pháp đủ mạnh, kiên quyết quản lý, kiểm soát chặt chẽ: về chất lượng các giống cây trồng, vật nuôi; chất lượng, giá cả các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội.

3- Tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, đồng bộ hơn, với phương châm  "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân”, đặc biệt là về cải cách các thủ tục hành chính, nhất là ở các bộ, ngành trung ương, theo hướng rút gọn quy trình, đơn giản hóa tối đa thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng "trên thông dưới chưa thoáng", “ một cửa nhiều khóa”. Tập trung đào tạo chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia trên từng ngành, từng lĩnh vực; nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức là động lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, mong muốn của cử tri, đề nghị Chính phủ sớm bố trí kinh phí hỗ trợ xây nhà ở cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng trong thực thi chính sách xã hội. Trong công tác giáo dục đào tạo, cử tri mong rằng Chính phủ quan tâm hơn nữa để chỉ đạo có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ngành giáo dục cần tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá khách quan toàn diện về: “đổi mới, cải cách, thí điểm” từng nội dung, từng vấn đề để có những giải pháp căn bản nhất, nhằm khắc phục tình trạng mỗi năm đổi mới một cách thi tuyển khác nhau hoặc những chủ trương, mô hình chưa được cấp có thẩm quyền cho ý kiến, chỉ đạo đã gây ra băn khoăn, bức xúc trong nhân dân và đội ngũ giáo viên. Đối với công tác thông tin, truyền thông cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục hiện tượng đưa tin sai sự thật, bình luận một chiều hoặc trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội, báo mạng, báo ngành ảnh hưởng đến tâm lý, hoài nghi trong nhân dân. 

 Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày