Thứ 2, 12/08/2024, 08:22[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 15, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII Thảo luận việc lấy phiếu tín nhiệm và hai Dự án Luật

Chủ nhật, 08/06/2014 | 16:30:41
556 lượt xem
Ngày 6/6, các đại biểu QH nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 (NQ35) của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận về: dự thảo Nghị quyết nêu trên; việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Kếp Thao (Cape Town) và hai Dự án Luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến tại hội trường.

Đề nghị lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp QH cuối năm 2014

Báo cáo thẩm tra dự thảo NQ35 của Ủy ban Pháp luật của QH cho biết, đa số ý kiến nhất trí tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND như đã quy định; đồng thời, tán thành đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, đối với nhiệm kỳ 2011 - 2016, tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm nay.

Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu, có ý kiến đề nghị quy định hai mức độ "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp", nhưng đa số ý kiến nhất trí tiếp tục quy định ba mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong NQ35 là: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm, Tín nhiệm thấp. Quy định này nhằm bảo đảm tính thận trọng trong công tác cán bộ và phù hợp đặc điểm công tác cán bộ ở nước ta. Theo Báo cáo thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc tổ chức quá nhiều lần biểu quyết về nhân sự trong cùng một kỳ họp và đề nghị cân nhắc cả phương án đơn giản bớt thủ tục đối với người có hơn hai phần ba tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.

Thảo luận ở tổ về dự thảo NQ35, các đại biểu cho rằng, đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết là phù hợp.

Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng diện lấy phiếu tín nhiệm, cụ thể, ở trung ương, bổ sung lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và người đứng đầu cơ quan khác do QH thành lập theo quy định tại Điều 70 của Hiến pháp. Ở địa phương, bổ sung lấy phiếu tín nhiệm đối với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm thực hành dân chủ rộng rãi trong việc đánh giá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, thẩm quyền giám sát của HĐND thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên triển khai hai lần trong một nhiệm kỳ, từ đầu năm thứ hai và đầu năm thứ tư.

Một số đại biểu cho rằng, lâu nay việc thực hiện vẫn còn nặng cảm tính, làm cho việc bỏ phiếu phân tán, không tập trung, do đó nên lấy hai mức -tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Chiều qua, tại các tổ, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Kếp Thao.

Gắn dạy nghề với nhu cầu thị trường lao động

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, đa số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật để bao quát toàn bộ công tác giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp như quy định trong Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Giáo dục hiện hành; nhằm thống nhất về mặt pháp lý, tiến tới thống nhất quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy, Luật cần lấy tên mới là Luật Giáo dục nghề nghiệp (bao gồm đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ).

Nhiều đại biểu nêu rõ, một số quy định trong dự thảo Luật (trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng dạy nghề...) chưa đủ chi tiết và hấp dẫn nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển hoạt động dạy nghề. Đồng thời, chưa phân biệt rõ cơ sở dạy nghề ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận. Cần nghiên cứu cụ thể hóa chính sách xã hội hóa dạy nghề tại các điều, khoản, liên quan trong dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, bên cạnh việc các cơ sở dạy nghề chủ động, tích cực tìm kiếm nghệ nhân giỏi để truyền nghề cho người học, dự thảo Luật cần linh hoạt, có quy chế cụ thể để các nghệ nhân, doanh nhân, nông dân sản xuất, kinh doanh, người lao động giỏi tham gia vào việc giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề, bởi đây là những người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày