Thứ 3, 23/07/2024, 11:25[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổng LÐLÐ Việt Nam; chủ trì họp Thường trực Chính phủ xử lý tình hình nhập khẩu phế liệu

Thứ 5, 26/07/2018 | 07:52:37
482 lượt xem
Sáng 25-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác thời gian qua và xử lý một số kiến nghị về những vấn đề nổi cộm đối với công nhân, người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, điểm lại một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của người lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như cán bộ công đoàn với tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo, miệt mài lao động sản xuất. Thủ tướng đánh giá công tác phối hợp giữa Chính phủ và Công đoàn ngày càng tăng cường, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Tổng LÐLÐ đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, phản biện chính sách, kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn với Ðảng, Nhà nước; đã đề xuất việc cân bằng quyền lợi nam và nữ trong thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về con số hơn 2,4 triệu đoàn viên Công đoàn, người lao động được tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và cho rằng, “đây là hướng quan trọng, không học tập, không rèn luyện, không nâng cao kỹ năng trong tình hình mới thì khó có năng suất cao, khó giải quyết vấn đề đời sống”.

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn; bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp (DN) phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động khiến nhiều người lao động thiếu việc làm; tình trạng nợ lương vẫn xảy ra tại một số ngành, địa phương. Một số doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền BHXH vẫn diễn ra. Khó khăn về nhà ở, thiếu nhà trẻ, trường học ở các khu công nghiệp đã làm cuộc sống của công nhân, người lao động thêm khó khăn...

Về công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 (dự kiến diễn ra vào quý III-2018) sẽ thành công tốt đẹp. Các bộ, ngành và Công đoàn cần phối hợp tích cực chuẩn bị cho đội ngũ công nhân trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần phối hợp làm tốt, nhanh hơn các thiết chế công đoàn, trước là nhà ở cho công nhân. Tiếp tục tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, xã hội. Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, phòng ngừa tai nạn lao động. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Các cấp chính quyền và công đoàn cần nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp người lao động, “nếu bức xúc ở bộ phận nhỏ không được giải quyết thì sẽ trở thành vấn đề xã hội rất lớn” - Thủ tướng nói, đồng thời nhắc lại yêu cầu Tổng LÐLÐ phối hợp với các bộ, ngành tập trung giải quyết, xử lý các kiến nghị của công nhân, người lao động tại cuộc đối thoại với Thủ tướng ở một số địa phương.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay. Ðây là vấn đề cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc. Phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng môi trường, cuộc sống nhân dân. Vì vậy, cần phân công trách nhiệm rõ ràng về vấn đề này.

Thủ tướng nêu rõ, cần điều tra, xử lý, truy đến cùng các công-ten-nơ phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm pháp luật về môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe. Bộ TN-MT làm rõ tác động từng sản phẩm phế liệu, từ đó, nêu rõ cơ sở cần thiết để có danh mục phế liệu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam với tinh thần là giảm danh mục tối đa, tránh tình trạng “lợi bất cập hại” do nhập phế liệu vào Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các công-ten-nơ phế liệu.

Thủ tướng nhấn mạnh cần rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép DN nhập phế liệu. Bộ TN-MT tiến hành thanh tra việc cấp phép thời gian qua, xử lý nghiêm cán bộ, DN vi phạm. Bộ Công thương phải rà soát lại vấn đề tạm nhập tái xuất phế liệu. Thủ tướng nhất trí, cần ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, là văn bản quan trọng để Bộ TN-MT, các bộ, ngành liên quan, các địa phương trong cả nước thực hiện; do đó, cần viết dễ hiểu, dễ vận dụng, làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành.

* Chiều tối cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào dự án Nhà máy sản xuất điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Bạc Liêu.

Dự án có công suất 3.200 MW với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD (hơn 91 nghìn tỷ đồng) và giá bán điện dự kiến sẽ khoảng 7 cent/kW. Nếu nhận được sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam, các nhà đầu tư dự kiến trong ba năm nữa sẽ phát điện tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận dự án này khả thi, mức giá 7 cent là hợp lý, thấp hơn so với giá điện được sản xuất từ nhiệt điện than và điện gió, điện mặt trời.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng rất lớn để đầu tư các dự án điện khí, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm muốn đầu tư xây dựng nhà máy điện khí tại khu vực này. Thủ tướng hoan nghênh các đối tác đã quan tâm tìm hiểu và đề xuất đầu tư dự án. Thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với EVN và các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh Tổng sơ đồ điện VII. Nếu dự án có tính khả thi cao thì bổ sung dự án này để có thể phát điện 1.000 MW vào năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tỉnh Bạc Liêu, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư trình tự, thủ tục đầu tư với tinh thần cải cách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, cho nên trong mọi khâu phải làm nghiêm túc, bài bản, đúng quy trình. Dự án phải bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường; giá điện phải có tính cạnh tranh cao và bảo đảm đúng tiến độ của dự án.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày