Thứ 3, 21/05/2024, 06:25[GMT+7]

Góp sức xây dựng quê hương

Thứ 2, 04/12/2017 | 10:04:11
841 lượt xem
Năm 2009, khi Thanh Tân (Kiến Xương) bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Cựu giáo chức (CGC) đã chọn những công việc phù hợp với khả năng để tích cực đóng góp.

Các cựu giáo chức trò chuyện với các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Cường

Việc đầu tiên và thường xuyên là làm tốt công tác tuyên truyền, gần 100 bài viết của các nhà giáo Đỗ Đăng Khoa, Trần Bá Chửng... đã được phát đều đặn trên Đài Truyền thanh xã về đường lối, chính sách xây dựng nông thôn mới, biểu dương, động viên bà con góp công sức, tiền của sự nghiệp chung. 

Điển hình như việc giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông và công trình phúc lợi, nhân dân toàn xã đã góp trên 5.000m2 đất, dỡ gần 3.000m dậu xây, 88 cổng, 126 công trình phụ, 16 bếp, chuyển 4 mộ tổ, 2 miếu thờ của xóm. 

Trong công việc khó khăn ấy một số hội viên đã đi đầu để lôi cuốn bà con cùng làm theo. Cô giáo Vũ Thị Hương tự nguyện hiến 50m2 đất; thầy giáo Phạm Đức Thành, nguyên Chủ tịch Hội hiến 50m2 đất để mở rộng đường... 

Phong trào xây dựng nông thôn mới rất cần vai trò của trung tâm học tập cộng đồng. Ở địa chỉ này các CGC đã phát huy được thế mạnh của mình. Đã có 16 CGC trong số 26 giảng viên của trung tâm thường xuyên hoạt động, xây dựng bài giảng mẫu chất lượng cao trình bày tại hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Xương tổ chức. Hơn 300 nông dân đã được đào tạo nghề phổ thông ở trung tâm trước khi trở thành công nhân may Việt Thái (cụm công nghiệp Thanh Tân). 

Tại hội thảo về vai trò của trung tâm học tập cộng đồng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, tham luận của nhà giáo Phạm Quang Phúng, Phó Giám đốc trung tâm học tập cộng đồng được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đánh giá cao. Người giữ vị trí chủ chốt về hoạt động của nhà văn hóa và thư viện cũng là nhà giáo nghỉ hưu. Nhân kỷ niệm 54 năm thành lập xã, nhà văn hóa được khánh thành. Thư viện chính thức mở cửa đón nhận sách, báo, tạp chí... của cán bộ, đảng viên, nhân dân và con em xa quê gửi tặng. Đến nay thư viện có 9 đầu báo, tạp chí và trên 2.000 đầu sách phục vụ bạn đọc. Khuyến học, khuyến tài cũng là một hoạt động hiệu quả của Hội. 100 hội viên tham gia khuyến học. Hàng năm, các gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học đều tổ chức tuyên dương, trao thưởng cho học sinh giỏi. 

Ở đây, Hội CGC, Hội Khuyến học và các nhà trường từ mầm non, tiểu học đến THCS đã kết hợp chặt chẽ thành khối thống nhất vững chắc như kiềng ba chân trong chấn hưng giáo dục, tạo điều kiện cho con em học tốt khi ở quê nhà và thành đạt trên đường tiến thân khi vào đời. Theo thống kê chưa đầy đủ, có 39 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ là con em quê hương Thanh Tân sinh sống, lập nghiệp ở trong và ngoài nước.

Đào Vĩnh
(Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh)