Thứ 2, 20/05/2024, 20:06[GMT+7]

Vượt tiêu chí về môi trường

Thứ 3, 07/05/2019 | 22:43:01
698 lượt xem
Theo đánh giá của Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh, tiêu chí số 17 về môi trường đang là một trong những tiêu chí khó về đích nhất, tỷ lệ đạt luôn nằm ở top thấp nhất trong hành trình đạt chuẩn xây dựng NTM.

Huyện Hoành Bồ huy động người dân và đoàn thanh niên thu gom, xử lý rác thải tại khu vực trồng rừng ngập mặn xã Lê Lợi.

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh mới có 81/111 xã hoàn thành tiêu chí này (đạt 73% so với kế hoạch đặt ra). Đáng chú ý là trong 18 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2019 thì đến hết quý I/2019 có tới 18/18 xã hiện vẫn đang “vấp” ở tiêu chí này. Trong đó tiêu chí 17.1 (tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh), 17.2 (cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về môi trường), 17.3 (xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp) và 17.5 (chất thải rắn, nước thải được thu gom, xử lý) là những tiêu chí khó đạt nhất.

Năm 2019, huyện Hoành Bồ phấn đấu đưa 2 xã là Vũ Oai và Tân Dân đạt chuẩn NTM, để hành trình về đích theo đúng kế hoạch đặt ra, huyện đang dồn lực cho các hạng mục, dự án thuộc lĩnh vực môi trường. Với nguồn kinh phí mỗi năm trên 10 tỷ đồng, đến nay, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, vỏ bao thuốc trừ sâu đã được thực hiện tại 9/12 xã trên địa bàn huyện cho thấy một nỗ lực rất lớn của địa phương này (năm 2016 mới có 3-4 xã được thu gom). Hiện chỉ còn lại 3 xã vùng cao: Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng do cung đường xa, lượng rác thải không nhiều, dân cư sống không tập trung nên 3 tháng/lần huyện sẽ tiến hành thu gom. 

Phần lớn người dân ở các xã vùng sâu vẫn chưa được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. (Ảnh chụp tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên). 

Với cách làm này, Hoành Bồ đang được đánh giá là địa phương có những thay đổi rõ rệt trong tiêu chí môi trường so với những năm trước và có khả năng hoàn thành tiêu chí 17 trong năm nay. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương khác vẫn đang khá “ì ạch” trong việc hoàn thành tiêu chí này. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực đầu tư hạn chế nên các địa phương khi xây dựng kế hoạch thường ưu tiên dành kinh phí triển khai trước cho các tiêu chí hạ tầng, xây dựng cơ bản, phát triển sản xuất… Ngoài khó khăn về nguồn lực thì còn xuất phát từ sự ít quan tâm của chính quyền địa phương đến công tác này. Đơn cử như việc thực hiện tiêu chí 17.5 thì phần lớn các hộ dân vẫn phải tự xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp, không có đơn vị chuyên trách về thu gom rác thải sinh hoạt hoặc chưa có đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại đối với rác thải nông nghiệp (bao bì thuốc bảo vệ thực vật).

Hay như với tiêu chí 17.2, các địa phương đều đã rà soát, hướng dẫn các cơ sở này hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý như: Đăng ký xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, để đánh giá việc các cơ sở này tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định vẫn còn gặp vướng mắc do việc thanh kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác thẩm định, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đạt thấp do nhiều hộ gia đình chưa hoàn thiện thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa bố trí xây dựng kho thuốc bảo vệ thực vật...

Những bất cập trên cho thấy, nếu các địa phương không thật sự quyết tâm và có những giải pháp cụ thể, quyết liệt, gắn trách nhiệm và phân công cụ thể cho từng xã, từng cá nhân và huy động sự vào cuộc của người dân thì tiêu chí này vẫn cứ tiếp tục “làm khó” cho cả những xã đã và đang cố gắng đạt chuẩn NTM.

Theo baoquangninh.com.vn