Thứ 2, 17/06/2024, 19:09[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc

Thứ 4, 22/05/2019 | 08:32:53
970 lượt xem
Những năm gần đây, mạng lưới kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Sở Y tế, hiện trên địa bàn tỉnh có 992 cơ sở kinh doanh thuốc trong đó có 194 công ty, nhà thuốc, 586 quầy thuốc, 212 tủ thuốc trạm y tế. Các cơ sở kinh doanh thuốc ngày càng phát triển đã góp phần bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận dễ dàng với thuốc, chủng loại phong phú, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.

Cán bộ Sở Y tế giới thiệu ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn của bác sĩ, đặc biệt là mua bán thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ người bệnh sử dụng kháng sinh tùy tiện, tình trạng kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc giám sát của các cơ quan chức năng trong quản lý nguồn nhập, chất lượng thuốc, số thuốc tồn, quá hạn còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc... Vì vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá từng loại thuốc. Cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, thuận lợi cho việc kiểm soát kê đơn, mua bán thuốc theo đơn. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020 của Bộ Y tế và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh quyết định phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tích cực triển khai. Cuối năm 2018, Sở Y tế đã phối hợp với Viettel Chi nhánh Thái Bình tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các cơ sở cung ứng thuốc về phần mềm ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở cung ứng thuốc triển khai việc ứng dụng CNTT theo lộ trình quy định. Kết quả, Sở Y tế đã tổ chức được 9 lớp với 332 người là chủ cơ sở, nhân viên các cơ sở cung ứng thuốc tham gia các buổi tập huấn triển khai quy định nhà thuốc đạt chuẩn thực hành tốt - GPP; đào tạo sử dụng và cung ứng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Đến nay đã có 101 nhà thuốc, 59 tủ thuốc trạm y tế đã ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc. 

Theo ông Nguyễn Thanh Bách, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế: Trước đây, để quản lý hoạt động kinh doanh thuốc, Phòng phải đi kiểm tra thực tế tại các cơ sở. Việc kiểm tra cũng mất nhiều nhân lực, thời gian do phải rà soát việc nhập, kiểm soát thuốc giả, kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng... Trong khi thực tế nhân sự của Phòng còn thiếu, việc kiểm tra, giám sát vất vả mà hiệu quả không cao. Song khi triển khai tin học kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, các thông số đều công khai, minh bạch trên hệ thống, cán bộ Phòng Nghiệp vụ dược có thể kiểm tra, nắm bắt các thông số của cơ sở kinh doanh qua máy tính kết nối với những ưu điểm hỗ trợ của phần mềm quản lý. Vì vậy, việc quản lý cũng dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều.

Bên cạnh những thuận lợi như các cơ sở cung ứng thuốc đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị về thực hành tốt cơ sở phân phối và bán lẻ thuốc theo quy định, trong đó có trang bị máy vi tính nối mạng internet song khó khăn trong việc triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc cũng còn nhiều. Đó là tuy mạng lưới cung ứng thuốc phát triển rộng nhưng không đồng đều. Chỉ mới tập trung chủ yếu ở những nơi đông dân cư, có điều kiện kinh tế phát triển như  trên địa bàn thành phố. Còn đối với tủ thuốc trạm y tế, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở các xã xa trung tâm, do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc. Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, kinh doanh thuốc cũng hạn chế do điều kiện về tài chính, độ tuổi và trình độ tin học của chủ cơ sở bán lẻ thuốc. Thực tế, có nhiều chủ quầy thuốc đã lớn tuổi nên dù có được tập huấn, trang bị kiến thức kỹ năng sử dụng tin học song khó áp dụng, sử dụng trong việc kết nối và kinh doanh tại cơ sở, làm ảnh hưởng chung đến việc kết nối hệ thống và công tác quản lý.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược: Việc thực hiện nhà thuốc đạt chuẩn GPP, bảo đảm các quy định về chất lượng, hoạt động nghề, biết đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu và việc thực hiện ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc đã trở thành quy định bắt buộc. Vì vậy, đối với những cơ sở cung ứng thuốc chưa thực hiện kết nối, không đáp ứng Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế gia hạn và tiếp tục chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện. Nếu không thực hiện được, cơ sở cung ứng thuốc sẽ phải tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng các điều kiện của cơ sở hành nghề dược theo quy định.

Hà Dung