Chủ nhật, 28/07/2024, 17:17[GMT+7]

Thiết thực, hiệu quả trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Thứ 5, 19/03/2015 | 09:49:26
798 lượt xem
Đó là phương châm các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin trong tỉnh đề ra nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam cho các nạn nhân. Song song với các hoạt động đối ngoại đòi công lý, hưởng ứng các phong trào, hoạt động xã hội tại địa phương, các cấp hội tập trung vào công tác vận động tạo nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Nhờ đó, số lượng nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi chất độc da cam được quan tâm nhiều hơn, đời sống vật chất, tinh thần của họ cũng d

Ban Bảo trợ nạn nhân nặng trao quà của các nhà hảo tâm cho nạn nhân chất độc da cam huyện Vũ Thư.

 

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 3,4 vạn người nghi nhiễm chất độc da cam, đời sống của họ còn nhiều khó khăn. Quan tâm chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân là việc làm thường xuyên của các cấp hội, trong đó tập trung vào việc vận động các nhà hảo tâm tặng quà dịp lễ, tết, xây, sửa nhà ở, giúp gia đình các nạn nhân vượt qua khó khăn, vơi bớt nỗi đau da cam, góp phần đẩy mạnh công tác an sinh xã hội của tỉnh.

 

Được xác định là một trong những tiền đề quan trọng để thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, việc vận động tạo nguồn lực được các cấp hội thực hiện thường xuyên. Năm 2014, các cấp hội đã tổ chức 3 đợt vận động tập trung dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ, kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh và thông qua chương trình giao lưu doanh nhân toàn quốc tổ chức tại Thái Bình. Qua 3 đợt, số tiền các đơn vị, cá nhân đăng ký hỗ trợ đạt gần 8 tỷ đồng. Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tài trợ 500 suất uống sữa trong 3 tháng cho nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp với tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng.

 

Hiệu quả từ việc vận động tạo nguồn lực đã góp phần đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Trong năm, các cấp hội đã tặng hàng chục nghìn suất quà cho gần 21.000 lượt người; hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa cho nạn nhân da cam phường Trần Lãm và xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình); phối hợp với lương y Nguyễn Văn Thiệu (huyện Quỳnh Phụ) khám, cấp 9.600 thang thuốc miễn phí cho 1.920 nạn nhân. Để đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh đã ký chương trình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Doanh nhân nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh… tổ chức tặng quà, bò sinh kế và trợ giúp khó khăn cho các đối tượng với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

 

Với nhiệm vụ đặc thù, các trung tâm trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tẩy độc tố, thanh lọc cơ thể, dạy nghề và bảo trợ xã hội cho nạn nhân. 11 đợt tẩy độc được tổ chức trong năm 2014 đã góp phần cải thiện sức khỏe, tăng khả năng lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho 330 nạn nhân. Cùng với đó, việc duy trì và phát triển Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Chăm sóc và tạo việc làm đã góp phần quan trọng giúp các nạn nhân có nghề và thu nhập từ nghề. Dù mới thành lập từ tháng 5/2014 song Trung tâm Chăm sóc và tạo việc làm đã triển khai dạy nghề cho 52 người, bố trí việc làm cho 30 lao động với thu nhập ổn định. Trung tâm Dạy nghề mở 2 lớp dạy nghề may và đan thủ công cho nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp có đủ sức khỏe để lao động. Trong vai trò bảo trợ xã hội, Ban Bảo trợ nạn nhân nặng đã kết nối với những nhà hảo tâm trong và ngoài nước bảo trợ thường xuyên 187 cháu là nạn nhân gián tiếp với số tiền 100.000 đồng/cháu/tháng. Số tiền hỗ trợ nuôi dưỡng tuy không nhiều nhưng tạo được niềm tin, giảm một phần gánh nặng cho gia đình các nạn nhân. Những kết quả đạt được trong năm 2014 đã khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của các cấp hội trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, được cộng đồng ghi nhận.

 

Năm 2015, với tinh thần “Đoàn kết, tâm huyết, nghĩa tình và trách nhiệm”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh phấn đấu xây dựng 2 điểm dạy nghề tại cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề, bảo đảm 30% số người được học nghề có việc làm và thu nhập. Ban Bảo trợ nạn nhân nặng vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm tăng số lượng nạn nhân gián tiếp được bảo trợ thường xuyên lên hơn 200 cháu. Các cấp hội tiếp tục huy động nguồn lực, bảo đảm 100% gia đình nạn nhân đều được nhận quà dịp lễ, tết. Đồng thời, mở các lớp chuyển giao kỹ thuật tẩy độc cho cán bộ y tế các tỉnh để có thêm nhiều nạn nhân chất độc da cam được tẩy độc tố, thanh lọc cơ thể, cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Hoàng Lanh

  • Từ khóa