Chủ nhật, 19/05/2024, 15:41[GMT+7]

Độc đáo lễ hội giao chạ làng Tam Đường - Vân Đài

Thứ 2, 17/02/2020 | 08:52:52
4,179 lượt xem
“Lệ làng tháng chín, tháng hai/Tam Đường chị xuống, Vân Đài em lên”. Đã là người làng Tam Đường, xã Tiến Đức hay Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) thì không ai không thuộc câu ca quen thuộc này. Người dân hai làng cũng rất tự hào về lễ hội có một không hai tồn tại hơn 700 năm như một minh chứng về truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của mảnh đất phát tích, dựng nghiệp nhà Trần, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân dân hai làng Tam Đường và Vân Đài.

Lễ hội hơn 700 năm

Ông Phan Văn Tư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiến Đức cũng là một người con của làng Tam Đường chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi người con làng Tam Đường hay Vân Đài đã được nghe kể về “Lệ làng tháng chín, tháng hai/Tam Đường chị xuống, Vân Đài em lên” nên đều rất rõ ngày rằm tháng hai và rằm tháng chín hàng năm là ngày giỗ của hai công chúa Huyền Trân và Diệu Dung. Theo tài liệu lịch sử để lại, công chúa Huyền Trân và Diệu Dung là con vua Trần Nhân Tông, từ nhỏ hai chị em đã rất thân thiết, gắn bó với nhau. Khi đất nước bị giặc Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Sau khi vua Chiêm băng hà, công chúa Huyền Trân trở về quê hương ngự tại phủ Tân Cương (tức thôn Thái Đường), cùng vua cha lo việc chống giặc Nguyên. Khi công chúa Huyền Trân mất, để ghi nhớ công ơn của bà, nhân dân thôn Thái Ðường lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hàng năm. Sau này, thôn Phú Đường, Thái Đường, Ngọc Đường (xã Tiến Đức) sáp nhập thành 1 thôn lấy tên gọi là thôn Tam Đường như ngày nay. Còn người em là công chúa Diệu Dung đã dẫn quân khai phá cả một vùng đất rộng lớn Duyên Hà, Tiên Hưng (huyện Hưng Hà ngày nay), đắp đê ngăn lũ, chống nước biển xâm thực ruộng đồng, sản xuất lương thực nuôi quân đánh giặc. Công chúa Diệu Dung cũng là người có công lớn xây dựng làng Vân Đài. Tưởng nhớ bà, hàng năm nhân dân làng Vân Đài tổ chức giỗ bà vào ngày rằm tháng 9. Vì tình nghĩa giữa hai chị em công chúa Huyền Trân và Diệu Dung khi còn sống và để tưởng nhớ hai nàng công chúa đức hạnh có công với nước, với nhân dân, hai làng Tam Đường, Vân Đài kết làm chị em, hàng năm tổ chức lễ giỗ rất long trọng. Ngày giỗ chị là công chúa Huyền Trân do nhân dân làng Tam Đường tổ chức, chạ em là làng Vân Đài sẽ cử 64 người (gọi là quan viên chạ) lên giỗ chị. Còn ngày giỗ em là công chúa Diệu Dung do làng Vân Đài tổ chức, chạ chị là làng Tam Đường sẽ cử 84 quan viên chạ xuống dự giỗ. Đây cũng gọi là lễ hội giao chạ hay còn gọi là tục giao chạ của hai làng Tam Đường - Vân Đài.

Đoàn làng Vân Đài thắp hương, tế lễ tại chùa Hội Đồng làng Tam Đường.


Nét văn hóa độc đáo

Lễ hội giao chạ mỗi năm được tổ chức hai lần, song được hai làng tổ chức cờ giong trống mở với các nghi lễ đón rước nhau rất trang trọng. Lễ hội cũng sẽ kéo dài từ chiều ngày 14 sang đến sáng ngày 16 âm lịch tháng 2 và tháng 9. Trong đó, chiều ngày 14 sẽ là lễ tế mở cửa đền, sáng 15 diễn ra lễ đón rước chạ chị, chạ em. Trong ngày lễ chính, cùng với phần lễ cỗ cá, thết đãi cỗ sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao. 

Phan Văn Tư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiến Đức và ông Nguyễn Viết Liêm, Trưởng thôn Vân Đài, xã Chí Hòa chia sẻ, trải qua hơn 700 năm, qua bao thăng trầm của lịch sử, kể cả trong giai đoạn chiến tranh khó khăn nhưng lễ hội giao chạ vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Có rất nhiều điều xoay quanh lễ hội mà người dân trong vùng cũng không biết rõ và không lý giải được như tại sao lại cử 84 hay 64 quan viên chạ đến dự giỗ. Nhưng đời này nối đời kia truyền lại, cả hai làng đều tuân thủ tuyệt đối những luật lệ mà các bậc tiền nhân đã đề ra. Cùng với tuân thủ số đại biểu hai làng cử đi dự lễ, hai làng cũng tuân thủ khá nghiêm ngặt những quy định bất thành văn như nếu trong năm đó, gia đình nào có tang, có chuyện không hay thì sẽ không đăng ký thành phần tham gia đi dự giỗ ở làng kia. Trong lễ giỗ, nhất định phải có cỗ cá.

Nét độc đáo có một không hai ít đâu có không chỉ ở việc hai làng cùng góp để tổ chức lễ giỗ long trọng hai nàng công chúa đức hạnh mà còn ở tình cảm gắn bó hết sức sâu nặng của nhân dân hai làng Tam Đường - Vân Đài qua bao thế hệ. 

Ông Phan Văn Tư chia sẻ, từ xa xưa và cho đến tận bây giờ, người dân hai làng vẫn coi nhau như anh em trong nhà, mọi công việc của làng này cũng là công việc của làng kia mặc dù hai làng ở hai xã khác nhau và cách nhau hơn 10km. Chính vì tình nghĩa coi nhau như anh em, chị em mà người làng Vân Đài khi lên làng Tam Đường thì dù người đó có là người cao tuổi vẫn gọi người làng Tam Đường dù còn rất ít tuổi là anh, chị, xưng em. Qua bao thế hệ, trai gái giữa hai làng cũng không kết nghĩa phu thê. Nhân dân Tam Đường và Vân Đài cũng rất tự hào bởi ở Thái Bình và có lẽ trên khắp cả nước ít nơi đâu có tục giao chạ độc đáo này. Hơn 700 năm qua, tục giao chạ, kết nghĩa anh em đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của người dân địa phương. Với lễ hội giao chạ độc đáo đã góp phần đưa lễ hội đền Trần Thái Bình trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Hoàng Đình Nhưng, Chủ tịch UBND xã Tiến Đức

Lễ hội giao chạ đến nay đã có lịch sử hơn 700 năm, được nhân dân địa phương hết sức tự hào và gìn giữ. Mỗi năm, lễ hội đều được hai làng chủ trì tổ chức với những lễ nghi hết sức nghiêm ngặt. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để hai làng duy trì lễ hội nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.

Ông Phan Văn Tư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiến Đức

Tôi vẫn nhớ những lễ hội giao chạ khi xưa, hình ảnh các bà, các mẹ xắn quần đến gối, lội bì bõm trong bùn để vượt hơn 10km lên chạ chị, xuống chạ em vào rằm tháng 2, tháng 9 âm lịch hàng năm dự giỗ. Các lớp cháu con hai làng chúng tôi lớn lên, từ những hình ảnh ấy ăn sâu vào trí nhớ thành tình cảm sâu nặng. Từ xưa đến nay, cũng có khi trai gái hai làng khi chưa biết người kia là người làng Tam Đường hay Vân Đài mà lỡ cảm mến nhau thì khi biết rõ đó là chạ chị, chạ em của mình thì cũng sẽ chuyển tình cảm mến nam nữ thành tình anh em trong nhà. Nên từ xa xưa và đến sau này cũng vậy, trai gái hai làng không kết nghĩa phu thê.

Ông Nguyễn Viết Liêm, Trưởng thôn Vân Đài, xã Chí Hòa

Cũng có thời kỳ việc tổ chức lễ hội giao chạ diễn ra gọn nhẹ mặc dù vậy chưa khi nào bị gián đoạn. Từ nhiều năm nay, lễ hội được tổ chức bài bản, sôi nổi hơn bởi có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền thôn. Con em dù đi lao động, học tập xa quê cũng nhớ lễ hội là về rất đông vui. Dù việc tổ chức lễ hội có đôi chút thay đổi so với trước kia nhưng hồn cốt lễ hội vẫn không thay đổi. Lễ hội giao chạ chắc chắn sẽ không bao giờ mất, luôn được người làng Tam Đường, Vân Đài gìn giữ đến muôn đời sau.


Bảo Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày