Thứ 6, 17/05/2024, 11:18[GMT+7]

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm từ những điểm giết mổ không an toàn

Thứ 2, 16/03/2020 | 08:28:32
763 lượt xem
Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) nhưng qua quan sát tại một số chợ dân sinh, điểm buôn bán và giết mổ gia cầm nhỏ lẻ của người dân vẫn chưa được kiểm soát và có các biện pháp phòng, chống dịch. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch cúm gia cầm, thậm chí có thể lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Gia cầm được bày bán, giết mổ tràn lan tại các chợ dân sinh. (Ảnh chụp tại chợ Đồng Hòa, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy).

Tại chợ Hải sản (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) có gần 10 điểm bày bán và giết mổ gia cầm các loại. Các điểm này nằm rải rác khắp chợ, xen kẽ với những gian hàng bày bán quần áo, đồ khô và các loại thực phẩm khác. Gia cầm sau khi mua sẽ được thuê làm sạch tại chỗ. Hầu hết gia cầm được giết mổ trên nền đất, lông, nội tạng vứt tràn lan, nước thải đổ trực tiếp xuống cống rãnh, thậm chí tràn ra cả đường đi chứ không thông qua hệ thống xử lý nào. Qua quan sát của chúng tôi, những người giết mổ gia cầm ở đây đa số không dùng dụng cụ bảo hộ lao động, không có biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Khi được hỏi về nguồn gốc và việc gia cầm đã được cơ quan thú y thực hiện công tác kiểm dịch hay chưa thì bà Nguyễn Thị Lan, chủ một gian hàng bán và giết mổ gia cầm trong chợ cho biết: Thương lái mang gia cầm đến chợ đổ buôn cho chúng tôi và nói đã qua kiểm dịch, thấy gia cầm khỏe mạnh thì chúng tôi lấy để bán. Quá trình giết mổ cũng không tránh được việc chất thải chưa được xử lý triệt để thải ra môi trường. Cuối ngày chúng tôi thường thu gom lông, chất thải từ gia cầm tập kết vào một chỗ để nhân viên môi trường đến thu gom.


Tình trạng gia cầm được bày bán và giết mổ chưa thông qua công tác kiểm dịch, kiểm soát của các cơ quan chức năng không chỉ diễn ra ở các chợ dân sinh mà còn tự phát tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Là hộ mua bán và giết mổ gia cầm với số lượng hàng trăm con mỗi ngày để cung cấp cho các chợ, nhà hàng, hộ nhận đặt làm cỗ nên gia đình ông Trần Văn Doanh ở thôn Nam Hưng (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) thải ra môi trường khối lượng chất thải, nước thải không nhỏ. Điều đáng nói ở đây là toàn bộ nước thải sau khi giết mổ và làm sạch gia cầm đều chảy xuống con sông cạnh nhà gây mất vệ sinh. Việc buôn bán và giết mổ gia cầm nhỏ lẻ xuất phát tại các nhà dân là một trong những nguyên nhân lây lan dịch bệnh, chưa kể số gia cầm đã làm sạch mang đi tiêu thụ ở các nơi chưa qua kiểm soát, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng tại chợ Đồng Hòa (xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy), gia cầm được bày bán tràn lan. Người dân cho biết đây là số gia cầm họ nuôi được và tự mang ra chợ bán chứ không mua từ thương lái nên ít có khả năng bị dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể khẳng định được trong số gia cầm được bày bán tại đây có tiềm ẩn mầm bệnh hay không, trong khi mọi người đều vô tư mua bán, trò chuyện mà không có các biện pháp bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, găng tay.


Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, qua việc lấy mẫu phẩm từ gia cầm ở các chợ để giám sát vẫn phát hiện sự lưu hành của virus cúm trong môi trường, điều này khiến dịch bệnh dễ bùng phát, lây lan nhanh trên diện rộng và có khả năng lây sang người nếu như không có các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng như bảo vệ sức khỏe con người. Đặc biệt, trong thời điểm dịch cúm gia cầm đang phát sinh và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Cụ thể, đối với những cơ sở, hộ buôn bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ cần phải lấy gia cầm ở những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực hiện đầy đủ các khâu kiểm dịch, kiểm soát. Người giết mổ gia cầm phải sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động để phòng tránh lây nhiễm cúm sang người; chất thải từ giết mổ gia cầm phải được thu gom, tập kết, xử lý đúng nơi quy định; thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh, phun hóa chất khử trùng lồng nhốt, phương tiện vận chuyển, khu vực tập kết, buôn bán, giết mổ gia cầm. Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm từ gia cầm tại các địa điểm buôn bán uy tín, bảo đảm chất lượng, có kiểm duyệt của cơ quan chức năng; chế biến gia cầm đúng cách để loại bỏ mầm bệnh, bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày