Thứ 2, 01/07/2024, 23:21[GMT+7]

Người anh hùng tâm - tài tỏa sáng (Kỳ I)

Thứ 6, 03/04/2020 | 09:23:52
4,265 lượt xem
Cũng như bao doanh nhân đích thực và chân chính, để xã hội thừa nhận, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cuộc đời Nghệ nhân Trần Văn Sen đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, chịu bao đắng cay, đối mặt với bao thách thức trên thương trường. Nhưng vượt lên tất cả, ông đã đưa Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị “cập bến” thành công.

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen tâm huyết với những dự án xây dựng quê hương.

Kỳ I: Làm “sống lại” nghề dệt 

Là người con làng Mẹo, cái nôi của nghề dệt truyền thống, với tài thiên phú bẩm sinh, Nghệ nhân Trần Văn Sen đã chủ động, sáng tạo, quyết tâm khôi phục và phát triển mạnh nghề dệt truyền thống của quê hương, mang lại việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn người dân và đóng góp ngân sách cho nhà nước. 

Quê ông ở làng Mẹo, hay còn gọi là làng Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà) nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Sử sách còn ghi: Nghề dệt ở làng Mẹo có từ thời nhà Trần, chính Thái sư Trần Thủ Độ là người đầu tiên có công khai phá, dựng ấp, dựng làng và dạy nghề cho các cư dân trong làng. Ngay từ năm 1937, những lô hàng đầu tiên của làng Mẹo đã được xuất khẩu đến Nhật Bản. Và cũng từ đấy, các thương gia người Nhật đã để mắt tới làng Mẹo. Người có công trong việc thiết lập quan hệ làm ăn buôn bán với người Nhật chính là cụ Trần Văn Tuân, ông nội của Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen. Việc làm ăn, buôn bán đang tiến triển thì chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ đã đẩy gia đình ông vào tình thế khó khăn. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng Thái Bình lại chìm trong nạn đói khủng khiếp, hàng vạn người chết hoặc phải bỏ làng ra đi. Khi đó, ông Trần Văn Sen mới 10 tuổi nhưng đã có suy nghĩ và luôn trăn trở “mất gì thì mất chứ không thể để mất nghề của cha ông và làng nghề truyền thống”. Thế rồi, ông cùng các thành viên trong gia đình ngày đêm nung nấu về những định hướng phát triển nghề; rồi tích cực nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm như vải, khăn mặt, màn... phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nghề dệt ở làng Mẹo được phục hồi. 

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen luôn quan tâm đến người lao động.

Những năm 70 của thế kỷ XX, nghề dệt truyền thống ở Phương La một lần nữa gặp khó khăn, nhiều người đã bỏ nghề, bỏ làng đi nơi khác kiếm sống, nghề dệt truyền thống có nguy cơ biến mất. Ông luôn trăn trở, suy nghĩ và tự hỏi: “Vì sao quê mình lại nghèo, nghề dệt sao không phát triển, làm thế nào để khôi phục lại nghề truyền thống của cha ông?”. Sau thời gian nghiên cứu, ông đã tìm ra nguyên nhân: Đó là do quy mô và cơ sở vật chất kỹ thuật nhỏ bé, lạc hậu, khung dệt thủ công “chân đạp, tay đưa thoi” năng suất thấp, lại chỉ dệt được loại vải đũi thường khổ hẹp, chất lượng thấp không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng... Ý chí quyết tâm làm sống lại nghề dệt của làng đã thôi thúc ông vay mượn tiền của người thân, bán một phần tài sản của gia đình đầu tư nghiên cứu, khôi phục nghề truyền thống. Sau khi lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các làng nghề dệt truyền thống ở Vạn Phúc (Hà Tây trước đây, Hà Nội ngày nay), nghề dệt lụa ở Nam Định..., ông cải tiến, nâng cấp máy dệt cổ truyền, thủ công, thô sơ sang bán tự động, rồi đến máy dệt liên hoàn, dệt được vải khổ rộng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn, đặc biệt là năng suất tăng gấp nhiều lần. Nếu như máy dệt cũ năng suất chỉ đạt 10m/ngày thì sau khi ông cải tiến đã tăng lên 30m/ngày. Ông Trần Văn Sen cũng là người đầu tiên mạnh dạn đưa công nghệ in hoa, tẩy nhuộm về tỉnh và nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều loại sản phẩm có mẫu mã đẹp, độc đáo, chất lượng cao như thổ cẩm, xa tanh, vải in hoa xuất khẩu... Từ kết quả đó, ông đã vận động mọi người trở lại với nghề, mở lớp bổ túc nâng cao kỹ thuật dạy nghề và truyền nghề cho bà con trong xã. Có thiết bị tốt, năng suất cao, mẫu mã đẹp nhưng không có thị trường thì nghề dệt cũng khó có thể phát triển. Từ suy nghĩ trên, không quản gian khó, ông tiếp tục mang sản phẩm do mình làm ra đến các địa phương trong và ngoài tỉnh chào hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là công việc hết sức khó khăn do không có phương tiện đi lại, địa bàn rộng, nhưng ý chí khao khát làm giàu cho quê hương đã tiếp sức cho ông và mọi nỗ lực của ông cũng được đền đáp, người tiêu dùng đến mua hàng ngày càng nhiều, sản phẩm của làng Mẹo trở nên nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm như: xa tanh, thổ cẩm, lụa tơ tằm, vải pêco... đã đạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc trong các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế. 

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen trò chuyện với phóng viên Báo Thái Bình.

Thành công trên đã tạo đà cho nghề dệt ở Phương La ngày càng phát triển mạnh. 100% số hộ gia đình trong làng, xã trở lại làm nghề, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động đến từ các khu vực lân cận. Việc xây dựng, phát triển nghề ở Phương La đã trở thành một trong những cơ sở thực tế sinh động để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng và chỉ đạo thực hiện “Chương trình xây dựng làng nghề, phát triển nghề”, là 1 trong 5 chương trình trọng tâm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình. Khi làng nghề được khôi phục, ông tiếp tục suy nghĩ để tạo bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho làng nghề là cần thiết phải tổ chức những người sản xuất lại để đóng góp vốn, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, tạo ra nhiều sản phẩm với sản lượng lớn, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông đã đứng ra thành lập Tổ hợp tư nhân dệt nhuộm Tân Phương, chuyên sản xuất hàng dệt cao cấp như: vải pêco các loại, vải si, vải pho, vải bò, sa tanh, thổ cẩm, vải lon, khăn ăn, khăn tắm in hoa... phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác... tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Đây là mô hình kinh tế mới xuất hiện đầu tiên ở Thái Bình. Nhưng trớ trêu thay, người bỏ tiền nhà ra như ông để đầu tư công nghệ, tìm thị trường mới tiêu thụ sản phẩm cho làng thì lại bị khám nhà, bị hiểu lầm, bị phát đơn kiện vì cho rằng có dấu hiệu “làm ăn bóc lột, móc ngoặc, mầm mống tư bản”. Nhưng vì làm đúng nên ông luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng động, sáng tạo và kinh doanh đúng pháp luật. Cuối cùng, cơ quan chức năng kết luận ông không có tội mà còn là người có công, do vậy ông tiếp tục vững tay “chèo lái” đưa doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn. 

Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, trước sự biến động mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải tăng cường các yếu tố về quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và nắm bắt thông tin kịp thời, nhanh nhạy với thị trường... Nắm bắt được tình hình, ông quyết định chuyển toàn bộ cơ sở sản xuất từ tổ hợp ở làng quê ra thị trấn Hưng Hà, thành lập Xí nghiệp Dệt nhuộm in hoa xuất nhập khẩu Hương Sen. Đây cũng là xí nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Là mô hình kinh tế mới nên được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, nhiều lần về thăm, nghiên cứu, tổng kết để có những chủ trương, chính sách mở đường cho sự phát triển kinh tế tư nhân trên phạm vi cả nước. 

Nghề dệt khăn ở thôn Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà).

Vào thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những biến động lớn về chính trị, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và ở Đông Âu tan rã, thị trường truyền thống của sản phẩm dệt may bị khủng hoảng nghiêm trọng, hàng dệt may của Trung Quốc tràn sang lấn át sản phẩm dệt trong nước, vì vậy ngành dệt lại đứng trước khó khăn, thử thách mới. Trong bối cảnh ấy, một mặt ông vẫn duy trì và giữ vững nghề dệt truyền thống bằng cách chuyển hướng tìm thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc..., mặt khác ông mạnh dạn chuyển lên thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình) thành lập Công ty TNHH Dệt nhuộm in hoa Hương Sen, đây là công ty TNHH đầu tiên của tỉnh Thái Bình và cũng là một trong những công ty TNHH đầu tiên của cả nước với các ngành nghề được mở rộng thêm như: xuất nhập khẩu, nuôi trồng thủy hải sản, may mặc, sản xuất bia và nước giải khát... với một ước vọng là đóng góp nhiều hơn cho quê hương Thái Bình ngày càng giàu mạnh. 

Nhờ những nỗ lực của Nghệ nhân Trần Văn Sen trong khôi phục nghề dệt truyền thống đã tạo tiền đề giúp cho nghề dệt sợi của Phương La nói riêng, Thái Bình nói chung phát triển mạnh so với các tỉnh trong khu vực. Ông 3 lần được tặng bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 lần công nhận là Nghệ nhân Bàn tay vàng. Đặc biệt, Phương La quê ông giờ đây được mệnh danh là làng tỷ phú, giàu nhất tỉnh Thái Bình với hàng trăm doanh nghiệp thành công từ nghề dệt nhuộm mang lại doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. 

Nguyễn Hình

(còn nữa)