Thứ 7, 20/04/2024, 01:21[GMT+7]

Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”: Củng cố “thế trận lòng dân”

Thứ 3, 23/02/2021 | 11:17:29
688 lượt xem
Thực hiện phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” do Bộ Quốc phòng phát động, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung và cụ thể hóa bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực. Nhờ đó, nhiều địa phương đã về đích nông thôn mới, ngày càng phát triển và củng cố hơn nữa “thế trận lòng dân”.

Cán bộ, học viên Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham gia đào kênh mương nội đồng tại xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây), tháng 7-2020. Ảnh: Thuận Nhân

Đa dạng cách “chung sức”

Nhận 10 máy tính xách tay, 1 máy chiếu trị giá hơn 120 triệu đồng do Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm tặng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) Hoàng Thị Hiên chia sẻ: “Đây là món quà ý nghĩa giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác giảng dạy và quản lý theo yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Ngoài việc tặng quà cho Trường Mầm non xã Phùng Xá, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm còn tham gia làm đường tại hai xã An Phú, Phù Lưu Tế; xây dựng, sửa chữa phòng học, khu vui chơi cho học sinh xã Phùng Xá. Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm cho biết: “Những công trình, phần việc này đã thể hiện tình cảm quân dân gắn bó, góp phần cùng các xã của huyện Mỹ Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Trong khi đó, 5 năm qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa đã phối hợp với một số bệnh viện tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn miễn phí cho hơn 1.000 đối tượng chính sách trên địa bàn. Thượng tá Nguyễn Xuân Quý, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa chia sẻ, đơn vị cũng đã huy động hơn 1.000 ngày công xây dựng, tôn tạo đường giao thông nông thôn, sửa chữa 29 nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hoàn thiện hơn 2.000m2 sân bê tông nhà văn hóa tại một số xã trên địa bàn.

Đối với xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây), khó khăn của địa phương khi xây dựng nông thôn mới là hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ Lê Văn Long cho biết: “Sự hỗ trợ của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô với hàng nghìn ngày công làm đường giao thông nông thôn, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế và nhiều hoạt động khác đã góp phần giúp Thanh Mỹ đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với nhiều địa phương huy động nhân lực, nguồn kinh phí tham gia hỗ trợ các lĩnh vực, tiêu chí còn yếu, thiếu, từ đó góp phần xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, đơn vị an toàn…

Lực lượng vũ trang huyện Gia Lâm tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Lệ Chi, tháng 7-2020. Ảnh: Hữu Thu 

Tạo sức lan tỏa hơn nữa

Bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt trong phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, lực lượng vũ trang Thủ đô đã giúp địa phương, giúp dân một cách thiết thực. Chỉ tính riêng năm 2020, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã xây dựng 8 nhà tình nghĩa, trị giá 80 triệu đồng/nhà cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; tặng quà hơn 600 hộ gia đình nghèo tại 20 xã của các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Sóc Sơn, với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn phối hợp với các bệnh viện quân đội đóng quân trên địa bàn khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn đối tượng chính sách tại các xã. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh đã làm 4 tuyến đường tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), trị giá 600 triệu đồng; huy động dân quân tự vệ của 30 quận, huyện, thị xã tham gia làm công tác dân vận tại 191 xã, phường, thị trấn, đóng góp gần 33.000 ngày công giúp người dân cải tạo đường liên thôn, nhà văn hóa, trạm y tế…

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Triển, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Trong quá trình thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã rút ra kinh nghiệm là phải thường xuyên quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phong trào, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, để tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa cho phong trào trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn”.

Đại tá Hà Trọng Tươi, Trưởng phòng Dân vận (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) khẳng định: “Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ kết hợp chung sức xây dựng nông thôn mới với phong trào “Chung tay vì người nghèo” và thực hiện các mục tiêu, phong trào thi đua, các cuộc vận động khác, kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình mới, điển hình tiên tiến tiêu biểu”. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xác định sẽ làm tốt công tác tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội trên địa bàn. Đồng thời chú trọng thực hiện hoạt động hỗ trợ các địa phương và nhân dân xây dựng nông thôn mới được xác định là tiêu chí quan trọng để xây dựng nét đẹp người chiến sĩ Thủ đô trong thời kỳ mới.

Qua những việc làm thiết thực trên, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã và đang góp phần nâng cao trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền và nhân dân; tăng cường mối quan hệ máu thịt đoàn kết quân dân, củng cố hơn nữa “thế trận lòng dân” để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo hanoimoi.com.vn