Thứ 2, 29/07/2024, 01:30[GMT+7]

Lực lượng vũ trang Thái Bình - 75 năm chặng đường vẻ vang Kỳ 2: Phát huy tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”

Thứ 2, 18/04/2022 | 10:31:06
14,775 lượt xem
9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc, cùng với miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình bước vào công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh, dồn sức sản xuất, chi viện sức người, sức của cho miền Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đại đội 4 dân quân gái tập trung huyện Tiền Hải huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) Thái Bình đã tiễn 154.275 người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ vào các đơn vị chiến đấu; 34.238 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên các chiến trường. Khát vọng cháy bỏng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, chiến đấu cho non sông liền một dải đã đưa Thái Bình trở thành địa phương có tỷ lệ người tòng quân so với dân số cao nhất cả nước.

Đặc biệt, giai đoạn đế quốc Mỹ sử dụng hải quân, không quân mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, kẻ thù đã 2 lần thực hiện phá hoại bằng đường không, đường thủy vào Thái Bình với 1.015 ngày, sử dụng 7.783 lần máy bay các loại đánh vào 1.606 mục tiêu, trong đó mục tiêu dân cư chiếm 53% (80% số xã của tỉnh bị đánh phá), dội xuống 2.425 tấn bom đạn các loại, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp tring tỉnh đã lãnh đạo nhân dân vừa bảo đảm sản xuất vừa tổ chức công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh đã đào đắp hàng triệu hầm hố các loại; sơ tán các cơ quan tỉnh, huyện, xí nghiệp, trường học... về 123 xã và 2 vạn dân thị xã Thái Bình trong vùng trọng điểm về các làng xã của tỉnh, thực hiện vừa sản xuất vừa chiến đấu. LLVT tỉnh đã tổ chức chặt chẽ hệ thống phòng không “dân phòng” nhân dân, bao gồm: báo động máy bay, cứu thương, cứu sập, cứu hỏa, bảo đảm giao thông, bảo đảm trị an..., tăng cường các lực lượng bám trụ, cơ động súng cao xạ 12,7 ly, 14,5 ly và 40 ly. 

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo đánh trả địch bằng đường không, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc chống biệt kích, tập kích, chống đánh phá bằng đường biển và chống chiến tranh mở rộng của đế quốc Mỹ. Với phong trào “Toàn dân đánh giặc”, quân và dân Thái Bình đã kiên cường bám trận địa, bám biển, canh trời, sát cánh cùng các lực lượng chiến đấu, anh dũng đánh trả 1.064 trận bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ, bắn rơi 44 máy bay các loại, bắn cháy 4 tàu chiến khi chúng đánh phá ven biển Tiền Hải, bắt sống 2 giặc lái, diệt 1 giặc lái.

Người ở hậu phương cũng quyết thi đua với người nơi tiền tuyến. Trong hơn 20 năm (1954 - 1975) vừa chăm lo xây dựng tỉnh thành hậu phương vững mạnh trong hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa chống trả và đánh bại hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ, Thái Bình đã dốc toàn lực chi viện sức người, sức của ở mức cao nhất để kịp thời chi viện cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã nắm vững và vận dụng 3 cuộc cách mạng vào sản xuất nông nghiệp thắng lợi. Sức dân tuy có hạn nhưng mọi người, mọi nhà đều đồng tâm hiệp lực với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Thái Bình là quê hương khởi đầu của các phong trào thi đua yêu nước nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với tinh thần thi đua lao động quên mình của các tầng lớp nhân dân như: “Trai ba sẵn sàng, gái ba đảm đang”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”, “Hướng ra chiến trường xây dựng nhiều cánh đồng cao sản”, chỉ tiêu 4 - 5 tấn/vụ và 9 - 10 tấn/ha/năm gieo trồng với tên “Cánh đồng Quảng Trị kiên cường”, “Một tài hai giỏi”, “Lao động cộng sản”, “Ngày làm thêm việc, buổi làm thêm giờ”... và là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc lập kỷ lục 5 tấn, 7 tấn thóc/ha. Quê lúa đã chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày đất nước toàn thắng, 34.403 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh, 32.500 người để lại một phần thân thể nơi chiến trường, gần 34.000 người bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin... Với những thành tích to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 6 Huân chương Quân công, 185 Huân chương Chiến công, 322 Huân chương Kháng chiến, 207 Huân chương Lao động của địa phương; 5.239 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 34 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; gần 13.000 gia đình quân nhân được tặng bảng vàng danh dự và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Khi cuộc chiến tranh nổ ra ở hai đầu biên giới Tây Nam và phía Bắc, hàng nghìn người con ưu tú của Thái Bình lại lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Thanh niên huyện Quỳnh Phụ hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.


Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

40 năm công tác trong quân đội, trong đó có hơn 14 năm chinh chiến trên chiến trường Lào, dù làm nhiệm vụ chiến đấu hay công tác lúc nào trong tôi cũng sục sôi lý tưởng cách mạng, phát huy truyền thống quê hương, quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để giành độc lập cho dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Đồng chí Trần Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Quỳnh Phụ
Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, năm 16 tuổi tôi tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, trực tiếp phục vụ chiến đấu san đường, lấp hố bom, tải thương, tải đạn trên tuyến đường Trường Sơn dọc biên giới Việt - Lào. Trong những ngày ác liệt đó, chúng tôi luôn nghĩ về “Quê hương năm tấn” với những người ở hậu phương đang ngày đêm thi đua “Trai ba sẵn sàng, gái ba đảm đang” vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đó là một trong những động lực lớn lao để lực lượng thanh niên xung phong Thái Bình có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Phan Thị Hương Lý, Đại đội trưởng Đại đội 4 dân quân gái tập trung huyện Tiền Hải
Trang sử vàng truyền thống của LLVT Thái Bình mãi mãi khắc ghi những chiến công chói lọi của Đại đội 4 dân quân gái tập trung huyện Tiền Hải trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đơn vị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy những thành tích đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hôm nay quyết tâm học tập, rèn luyện, huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị, phù hợp với cách đánh của chiến tranh công nghệ cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

(còn nữa)

Trịnh Cường