Thứ 4, 24/07/2024, 03:23[GMT+7]

Khơi nguồn sức trẻ - thay đổi diện mạo nông thôn

Thứ 6, 16/06/2023 | 08:50:01
3,330 lượt xem
Chung sức xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Mỗi cơ sở đoàn, mỗi đoàn viên một cách làm đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc của tuổi trẻ góp phần làm đổi mới diện mạo các miền quê.

Khánh thành nhà tình nghĩa cho bà Phan Thị Thuyến, cựu thanh niên xung phong xã Thụy Dân (Thái Thụy).

Triệu phú áo xanh

Năm 2016, anh Vũ Hồng Tuân, thôn Vũ Đông, xã Thụy Xuân (Thái Thụy) khởi nghiệp bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Mặc dù có những lợi thế về điều kiện tự nhiên, bản thân cũng đã học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm từ các mô hình, thế nhưng khi bắt tay vào thực tiễn, anh Tuân gặp không ít khó khăn. Anh cho biết: Khi mới khởi nghiệp, 6 tấn cá bị chết, tôi xoay sang nuôi cá trắm đen. Cá trắm đen lại rớt giá quá nhiều thì tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thành công với nuôi tôm thì tôi nhân rộng, nuôi thêm cá hồng mỹ và mở thêm cửa hàng bán vật tư ngành nuôi trồng thủy sản. Trung bình mỗi năm cũng có lãi khoảng 300 triệu đồng.

Còn tại thôn Vị Giang, xã Chí Hòa (Hưng Hà) anh Trương Công Ngọc Tuấn được biết đến là quân nhân xuất ngũ, đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi. Hiện anh có xưởng may với 100 công nhân, phần lớn là thanh niên, lợi nhuận hàng tháng khoảng 100 triệu đồng. Điều đặc biệt ở xưởng may của anh Tuấn, nhiều thanh niên đã trở nên chín chắn, trưởng thành, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Anh Tuấn cho biết: Thời gian đầu, khó khăn đủ thứ về vốn, công nhân, thị trường. Có những lúc tôi căng thẳng, tìm mãi không ra hướng đi, nhưng với bản lĩnh đã được tôi luyện trong quân ngũ, rồi sự đồng hành, tin tưởng của gia đình, các đối tác, bạn bè đã giúp tôi vượt qua tất cả.

Anh Tuân, anh Tuấn chỉ là 2 trong hàng nghìn thanh niên trên địa bàn tỉnh đã chủ động, bứt phá vươn lên, hướng đến hiệu quả cao hơn trong phát triển kinh tế. Với sức trẻ cùng nhiều ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ tài nguyên bản địa trên chính quê hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình nuôi thủy sản của anh Vũ Hồng Tuân, thôn Vũ Đông, xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Tình nguyện vì cộng đồng

Cuối tháng 5, nắng như đổ lửa nhưng trong căn nhà mới của bà Phan Thị Thuyến, cựu thanh niên xung phong thôn An Tiêm 1, xã Thụy Dân (Thái Thụy) rộn vang tiếng cười. Các cấp bộ đoàn, lãnh đạo, các ban, ngành, họ hàng, nhân dân địa phương đến chung vui với bà Thuyến được về nhà mới ở. Bà Thuyến xúc động cho biết: Mơ ước có nhà che nắng, che mưa bao lâu nay đã thành sự thật. Tất cả nhờ đoàn thanh niên các cấp kết nối, hỗ trợ, chính quyền, bà con chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch UBND xã Thụy Dân cho biết: Nhà tình nghĩa cho bà Thuyến là một trong những công trình có sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể của xã, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn, Quỹ Hạt giống Việt (Báo Nhân Dân). Đây thực sự là món quà vô cùng thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với địa phương nói chung, gia đình bà Thuyến nói riêng. Đây là một trong những hoạt động thiện nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Ngôi nhà của bà Thuyến là 1 trong 5 ngôi nhà tình nghĩa mà tuổi trẻ Thái Bình huy động, hỗ trợ kinh phí xây dựng từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình, phần việc thanh niên được thực hiện đã góp phần làm đẹp hơn những làng quê ở Thái Bình. Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã trao tặng 6.208 suất quà (tiền mặt, các nhu yếu phẩm cần thiết) cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng; tổ chức 16 hoạt động tư vấn, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.300 đối tượng; tổ chức 12 hoạt động hiến máu tình nguyện thu được 1.540 đơn vị máu; trao tặng 12 công trình thanh niên (thắp sáng đường quê, nhà vệ sinh cho em, sân thể thao cộng đồng...) trị giá 700 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia xây dựng các công trình dân sinh; tích cực ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; huy động thanh niên tích cực giữ gìn, bảo vệ môi trường; đi đầu tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tham gia giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn...

Phát huy tối đa nguồn lực

Hiện nay, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nói chung và phong trào thi đua tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 2 khó khăn lớn nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên và nguồn lực để tổ chức các hoạt động. Theo anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn: Để khắc phục những khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực để triển khai có hiệu quả phong trào. Trong đó, phát huy tối đa nguồn nội lực tại chỗ của mỗi địa phương để thực hiện các công trình, phần việc thanh niên xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, với quan điểm hướng về cơ sở, các cấp bộ đoàn, hội thực hiện mô hình 3 liên kết: liên kết lực lượng, địa bàn và liên kết cộng đồng; phát huy tối đa việc xã hội hóa các nguồn lực, đặc biệt từ thanh niên đi làm ăn xa, sinh viên đang học tập ngoài tỉnh...

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” - khẩu hiệu này một lần nữa lại được chứng minh thông qua sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả của tuổi trẻ Thái Bình, khi ngày càng có nhiều công trình, phần việc mang tên thanh niên được hình thành, góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống nhân dân ở vùng nông thôn.


Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày