Thứ 2, 29/07/2024, 15:22[GMT+7]

Biết ơn người có công

Thứ 4, 26/07/2023 | 08:46:54
2,611 lượt xem
Tháng 7 - tháng tri ân, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đi thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh nặng là người con quê hương Thái Bình đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh ở một số tỉnh khu vực phía Bắc. Những cuộc gặp gỡ đầy ắp xúc động giúp chúng tôi hiểu hơn những thiệt thòi, mất mát của các thương binh, bệnh binh.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng các thương binh, bệnh binh người Thái Bình đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam).

Đến thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh nặng là người Thái Bình đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng thương binh nặng Nguyễn Thị Mai, quê xã Hòa Bình (Hưng Hà). Giống như thế hệ thanh niên cùng thời, bà Mai lớn lên khi đất nước bước vào giai đoạn cam go của cuộc trường kỳ kháng chiến. Đến tuổi trưởng thành, bà công tác tại Bệnh viện Bộ Tư lệnh Hải quân và bị thương trong quá trình phục vụ chiến đấu. Dù may mắn sống sót nhưng vết thương đã làm bà tổn hại 81% sức khỏe. Bà được đưa về điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên từ năm 1975 đến nay. Bà Mai còn có chồng cũng là thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 96% và ông đã mất cách đây 2 năm. Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đến nay đã gần 50 năm, bà coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Nỗi đau về thể xác mà bà gánh chịu thật khó có thể bù đắp được. 

Bà Mai tâm sự: Thỉnh thoảng muốn về thăm quê, tôi được Trung tâm bố trí xe đưa đón rất chu đáo. Mỗi dịp tết hay ngày 27/7 hàng năm, tôi và gia đình lại được các đồng chí lãnh đạo từ quê hương Thái Bình sang thăm hỏi, động viên và trao quà nên rất xúc động. Được nghe thông tin về tình hình phát triển và công cuộc đổi mới của tỉnh, tôi rất phấn khởi và mong cho tỉnh ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa.

Tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam), chúng tôi gặp ông Bùi Văn Vuột, quê xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình). Ông nhập ngũ năm 1966, lái xe cho Binh đoàn Trường Sơn, 2 lần bị thương, trong đó có lần bị mảnh đạn găm vào đầu, tưởng đã hy sinh nơi chiến trường khốc liệt nhưng may mắn ông đã vượt qua. Năm 1976 ông được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng để điều trị và ở lại đây từ đó đến nay. 

Ông Vuột tâm sự: Khi nghe tin có các đồng chí lãnh đạo từ Thái Bình sang thăm, mấy anh em chúng tôi ai nấy đều phấn khởi và xúc động. Hiện có 3 thương binh, bệnh binh nặng là người con của quê hương Thái Bình đang điều trị tại đây, ai cũng mang trên mình những vết thương không thể chữa lành. Chính bởi vậy, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quê hương dành cho chúng tôi thực sự rất ý nghĩa.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề. Những thương binh, bệnh binh nặng trở về với cuộc sống đời thường mang trên mình thương tích gây đau đớn về thể xác và tâm trí. Họ là những người gánh chịu nhiều thiệt thòi sau chiến tranh. Để bù đắp phần nào những mất mát đó, cán bộ, nhân viên các trung tâm điều dưỡng thương binh luôn chăm sóc ân cần, chu đáo để các thương binh, bệnh binh vượt qua nỗi đau thể xác, chiến thắng thương tật, sống vui, sống khỏe. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng cho biết: Đơn vị hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 110 thương binh, bệnh binh của 20 tỉnh, thành phố, trong đó có 75 thương binh, bệnh binh đặc biệt nặng với tỷ lệ thương tật và tổn thương cơ thể từ 81% trở lên. Với trọng trách được giao, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên của Trung tâm luôn nỗ lực hết sức mình để chăm sóc, phục vụ các thương binh, bệnh binh. Các thương binh, bệnh binh ở đây được điều trị tại 3 khoa theo từng tính chất bệnh lý. Những thương binh, bệnh binh nặng vượt quá khả năng điều trị của Trung tâm sẽ được chuyển lên tuyến trên theo dõi, chăm sóc. Mọi sinh hoạt, chăm sóc, nuôi dưỡng đều do y tá, hộ lý của Trung tâm đảm nhận.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình tự hào là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về đóng góp sức người với trên 50 vạn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hiện toàn tỉnh có trên 52.000 liệt sĩ; trên 45.700 thương binh, bệnh binh; hàng chục nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Với truyền thống của vùng quê cách mạng, Thái Bình là địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người có công, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao. Chăm sóc người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự để đền đáp phần nào những hy sinh, mất mát của những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.


Ông Đoàn Văn Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam)
Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 56 thương binh, bệnh binh nặng. Mỗi cán bộ, nhân viên ở đây đều nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bù đắp phần nào sự mất mát, hy sinh của các thương binh, bệnh binh.

Chị Quách Thu Thanh, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình)
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng các thương binh, bệnh binh nặng gặp nhiều khó khăn do sức khỏe của các bác rất yếu, nhất là những bác bị liệt, cụt chân. Bản thân chúng tôi phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tận tình, chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ để chăm lo cho các thương binh, bệnh binh một cách vẹn toàn nhất.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình)
Quê tôi ở xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. May mắn trở về từ chiến trường, tôi được chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây từ năm 1994. Cứ mỗi dịp tết hay ngày 27/7, tôi đều nhận được sự thăm hỏi, động viên của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Thái Bình. Mặc dù sức khỏe mỗi ngày một yếu song được cán bộ, nhân viên ở đây chăm lo rất tận tình, chu đáo nên tôi yên tâm và rất phấn khởi.

Duy Tùng