Thứ 6, 10/05/2024, 00:53[GMT+7]

Một năm sau “giải cứu”, giá thịt lợn hơi tăng kỷ lục

Thứ 3, 14/08/2018 | 08:50:09
1,566 lượt xem
Những ngày qua giá thịt lợn liên tục tăng mạnh, là tín hiệu vui cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, giá thịt lợn cao hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối, vì vậy ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng khi tiến hành tái đàn.

Người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn.

Cách đây một tuần, gia đình ông Nguyễn Văn Tiên, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) xuất chuồng trên 2 tấn thịt lợn với giá 53.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 2 triệu đồng/tạ. 

Theo ông Tiên, giá lợn tăng liên tục từ đầu năm đến nay, đặc biệt giá lợn đạt trên 50.000 đồng/kg duy trì khoảng 1 tháng nay làm cho người chăn nuôi phấn khởi. Với những trang trại tự sản xuất được giống, chủ động thức ăn thì mức lãi còn cao hơn. Giá lợn thịt tăng cao kéo theo nhu cầu về con giống cũng tăng vọt. Nếu như đầu năm, mỗi con lợn giống chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng thì từ nửa cuối tháng 5 đã tăng lên gần 1 triệu đồng/con, hiện tại, giá lợn giống từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/con. Nhiều hộ chăn nuôi tìm mua lợn giống để tái đàn nhưng cũng khó khăn do không có nhiều bởi khi giá lợn xuống thấp, nhiều trang trại, gia trại đã loại bỏ lợn nái kém chất lượng khiến số lượng lợn con sụt giảm. Các trang trại lớn giữ lại lợn giống để tái đàn nên không có lợn bán ra ngoài. 

Ông Vũ Đăng Vụ, xã Đông Xá (Đông Hưng) cho biết: Chuồng trại của gia đình tôi thiết kế nuôi 150 - 200 con lợn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của giá lợn, người chăn nuôi chúng tôi vẫn e dè, không dám ồ ạt tái đàn vì lo ngại giá tăng không bền vững. Hiện tại tôi chỉ duy trì đàn khoảng 80 con.

Sự thận trọng của ông Vụ cũng là tâm lý chung của người chăn nuôi trong tỉnh bởi chưa tìm được đầu ra ổn định và bảo đảm để yên tâm đầu tư. Theo tìm hiểu của phóng viên, dù giá lợn thịt tăng cao nhưng nhiều trang trại, hộ chăn nuôi vẫn dè dặt tăng đàn, người chăn nuôi đã có sự thận trọng chứ không nhập ồ ạt theo tín hiệu thị trường như trước. Các hộ duy trì nuôi lợn chủ yếu là tự sản, tự nuôi.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có 978.678 con, trong đó đàn lợn nái 189.656 con, đàn lợn đực 1.319 con và đàn lợn thịt 787.703 con, so sánh tổng đàn lợn so với cùng kỳ năm 2017 tăng khoảng 1,88%. Sản lượng thịt lợn hơi sản xuất qua các tháng từ tháng 7/2018 đến tháng 2/2019 ước đạt 140.255 tấn, trung bình khoảng trên 17.500 tấn/tháng và sẽ tập trung vào các tháng 12/2018 và đầu năm 2019. 

Khoảng 1 tháng nay, giá thịt lợn hơi duy trì từ 40.000 - 56.000 đồng/kg tùy loại. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua, so với năm 2017, khi cả nước chung tay “giải cứu” thì giá thịt lợn ở thời điểm này tăng gấp đôi. 

Trước thực trạng giá lợn tăng quá cao như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương thực hiện ngay một số giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng này. Theo đó, giá lợn hơi tăng là do nhu cầu thị trường, trong khi nguồn cung không thiếu, bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài và các trang trại chăn nuôi lớn vẫn còn lượng lợn khá nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Dường như câu tục ngữ “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” đã không còn đúng trong điều kiện chăn nuôi lợn không ổn định về thị trường, giá cả như hiện nay. 

Để tránh tình trạng “đua nhau” tái đàn dẫn đến mất cân đối cung - cầu, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục thận trọng trong việc tái đàn. Trước mắt, bà con cần tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm chi phí chăn nuôi như lựa chọn con giống tốt, bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như ngô, khoai, rau... để hạ chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, thời gian trước, khi giá lợn xuống thấp nhiều hộ nuôi không quan tâm chăm sóc đàn lợn, lơ là việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. 

Thêm vào đó, hiện đã vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp... nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, bà con cần tập trung tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi. Cần phát triển đàn lợn theo hướng nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Thực hiện chăn nuôi có liên kết, hợp tác theo chuỗi để phát triển ổn định, bền vững.

Ngân Huyền