Chủ nhật, 11/08/2024, 10:17[GMT+7]

Chiều sâu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Thứ 6, 22/02/2013 | 09:14:58
1,079 lượt xem
Cả nước đang thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trước yêu cầu của tình hình mới.

Tiết mục biểu diễn của Ðội văn nghệ bản ở xã Hua Nà (Lai Châu).

Từ khi phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đến nay Ðảng và Nhà nước luôn luôn nhất quán quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào, tạo mọi sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ban Chỉ đạo trung ương của phong trào hoạt động tích cực hơn mười năm nay, mới đây Thủ tướng Chính phủ  đã ra Quyết định Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Ðể phong trào lôi cuốn được toàn dân, toàn xã hội, phải có nhiều phong trào cụ thể từ cơ sở như: xây dựng, biểu dương người tốt, việc tốt; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; thực hiện  nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Nhìn chung, các phong trào đã phát triển rộng khắp trong cả nước, nhưng có nhược điểm là một số nơi chỉ dừng lại ở mức độ khuấy động phong trào, hoạt động bề nổi là chính. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu  công khai dân chủ, gắn biển gia đình văn hóa tràn lan. Việc triển khai xây dựng và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa còn vướng mắc do chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, cho nên kết quả đạt được chưa cao. Việc thực hiện các quy định pháp luật và của địa phương về phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa nghiêm...

Chính vì vậy, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phải gắn với đời sống xã hội, phải được thể hiện thông qua các yếu tố văn hóa và nhân tố con người, hướng tới xây dựng con người, khắc phục tình trạng là đề ra nhiều nội dung tiêu chí chồng chéo, dàn trải khó thực hiện ở cơ sở. Các yếu tố văn hóa của mỗi phong trào cụ thể phải được xây dựng và phát huy trên nền tảng văn hóa dân  tộc, như xây dựng gia đình văn hóa phải dựa trên tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống, lấy nền nếp gia phong làm hạt nhân. Xây dựng làng văn hóa phải dựa vào hương ước trước đây, xây dựng tình làng nghĩa xóm, thuần phong mỹ tục... Tóm lại, khi đề ra nội dung tiêu chí của phong trào phải bám sát truyền thống, ý nguyện của nhân dân, mới thật sự đi vào lòng người và có sức cuốn hút. Xa rời điều đó sẽ kém thực chất và không bền vững, dễ rơi vào chủ nghĩa hình thức.

Khi các phong trào quần chúng hình thành và phát triển đòi hỏi phải xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để người dân có nơi hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Ðây cũng là một nội dung quan trọng của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Ðến nay, cả nước có 4.703 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao; 45.459 thôn, làng có nhà văn hóa, khu thể thao đạt tỷ lệ 43%; có 40 nghìn câu lạc bộ thể thao quần chúng hoạt động thường xuyên (5.000 câu lạc bộ võ thuật, 3.000 câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời)... Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở luôn luôn đồng hành với xây dựng các phong trào, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Không ít nơi chỉ chú ý xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa mà không quan tâm xây dựng phong trào, xây dựng con người, khiến cho nhà văn hóa, nhà thi đấu hoạt động cầm chừng hoặc bỏ không rất lãng phí.

Ðể các hoạt động trên phát triển có hiệu quả thì đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở có vai trò rất quan trọng, vừa phải có trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn, vừa phải có khả năng tổ chức, vận động quần chúng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ở nơi nào đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh thì  mọi hoạt động văn hóa, thể thao ở nơi đó phát triển rất sôi nổi và đúng hướng. Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở đang trở thành vấn đề cấp thiết. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi có chế độ, chính sách đãi ngộ rõ ràng để họ yên tâm công tác. Một vấn đề nổi cộm nữa là tạo nguồn kinh phí cho hoạt động văn hóa ở cơ sở như thế nào. Bên cạnh kinh phí do Nhà nước đầu tư cần phải tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của các cơ sở. Nếu làm tốt việc tuyên truyền vận động sẽ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân  đóng góp kinh phí cho hoạt động văn hóa. Nhờ vậy, hoạt động văn hóa ở các địa phương sẽ vượt qua được thử thách khó khăn, tiếp tục thúc đẩy Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển.

Theo nhandan

  • Từ khóa