Thứ 3, 21/05/2024, 11:01[GMT+7]

Nhà thơ Ánh Tuyết và những tập truyện thiếu nhi

Thứ 2, 29/05/2017 | 09:22:04
3,414 lượt xem
Nhà thơ Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, vốn nổi danh với khá nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi, truyện ngắn về đề tài chiến tranh. Vậy nhưng, bà cũng là cây bút có duyên trong những sáng tác dung dị dành cho thiếu nhi với những câu chuyện ngắn vừa giản dị, gần gũi, vừa sâu sắc, chan chứa tình người.

Những tập truyện thiếu nhi của nhà thơ Ánh Tuyết là món quà dành tặng thư viện Trường THCS Lương Thế Vinh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi.

Ngày nay, việc rèn thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ là thách thức lớn đối với không ít bậc phụ huynh. Không chỉ vì lịch học, sinh hoạt tại trường dày đặc của các con mà còn bởi những bộ phim hoạt hình, những trò chơi điện tử hay những thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng,… lúc nào cũng như một “bữa ăn ngon” đã được dọn sẵn cho trẻ nhỏ với đầy ắp những thước phim, trò chơi bắt kịp xu hướng, mang tính giải trí cao, hình ảnh sinh động, âm nhạc lôi cuốn. Thậm chí, dù nhiều bố mẹ hiểu rằng: không có thói quen đọc sách, con sẽ trở nên lười tưởng tượng, không muốn sáng tạo, nhưng không thể phủ nhận trong những ngày hè các con được rảnh rỗi về thời gian, nhiều gia đình đã coi việc để trẻ thỏa sức chơi điện tử, nghe nhạc, xem phim là phương pháp “giữ trẻ” hiệu quả.

“Kỳ nghỉ hè của Đức dô”

Tháng năm về với những buổi sáng bầu trời trong veo, với sắc tím thủy chung của những tán bằng lăng, với màu đỏ rực cả một góc trời bởi những hàng phượng vĩ, với tiếng ve kêu râm ran,… Ấy là lúc mà các bạn học sinh hiểu rằng những tháng ngày tạm rời xa thầy cô, bạn bè, xa mái trường thân yêu đã đến, để bước vào một mùa hè với đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ. Để rồi, những kỷ niệm thân thương ấy sẽ theo ta đến suốt cuộc đời, trở thành hành trang không thể thiếu trên mỗi bước đường tương lai.

Bắt đầu từ nguồn cảm hứng ấy mà tập truyện thiếu nhi “Kỳ nghỉ hè của Đức dô” với nhân vật chính là cậu bé với cái trán bướng Đức dô đã được nhà thơ Ánh Tuyết thân mến dành tặng riêng tới các độc giả nhỏ tuổi và những người lớn vẫn luôn nhớ về một thời tuổi thơ đầy ắp tiếng cười. Nghỉ hè, trong khi các bạn cùng lớp đã có biết bao dự định, đó là ngồi bên máy tính và trò chuyện quên tháng ngày, đó là tham gia vào các lớp học thêm toán, tiếng Anh, hội họa,… thì Đức dô nhận được quyết định bất ngờ của bố, đó là về quê với ông bà để hiểu được cuộc sống ở quê ra sao, có khác gì trên thành phố. Vậy là chuỗi ngày với biết bao khám phá mới lạ của cậu bé đã quen với nhịp sống thành thị được bắt đầu cùng thật nhiều bỡ ngỡ.

Qua mười hai mẩu truyện ngắn, mỗi độc giả như hòa mình vào với kỳ nghỉ hè của cậu bé Đức dô trên miền quê ở đồng bằng Bắc Bộ với những đêm trăng sáng xem chèo chật kín cả sân đình, với trò chăn trâu, tắm ao, với những món ăn dân giã như hạt mít luộc, cốc nước chè đặc, hay củ sắn, củ khoai, với những câu ca dao tục ngữ tưởng chừng chỉ nằm trong sách vở giờ đây lại gắn liền với cuộc sống thường ngày,… và còn thật nhiều bất ngờ thú vị khi về với miền thôn quê. Không có máy tính, tivi, Đức dô hòa nhập nhanh chóng với đám trẻ con làng quê để rồi trở thành thủ lĩnh của cả bọn. Cậu bé còn được các bạn dẫn đi gặp chú nhà văn dù là thương binh nặng nhưng luôn miệt mài viết truyện, làm thơ và đạt được nhiều giải thưởng văn học. Để rồi từ đó cậu bé Đức dô vốn dĩ ở nhà luôn được bố mẹ chiều chuộng, nay đã cảm thấy thật xấu hổ và quyết tâm sẽ làm những điều thật có ý nghĩa.

Tình yêu thương dành cho tuổi thiếu nhi

Không chỉ có tập truyện thiếu nhi “Kỳ nghỉ hè của Đức dô” mà nhà thơ Ánh Tuyết còn gây ấn tượng với các độc giả nhỏ tuổi bởi tập truyện như một cuốn hồi ký mang tên “Mũ rơm vàng”. Đó là những năm tháng mà cả thế hệ lớn lên khi đất nước còn đang gánh chịu chiến tranh phá hoại, là những mẩu chuyện ngắn về cuộc sống nhiều gian khó nhưng luôn mang trong mình lý tưởng của những cô bé, cậu bé thời kỳ tết mũ rơm vàng đi học.

Đọc truyện ngắn “Mũ rơm vàng” của nhà thơ Ánh Tuyết, em Lại Quang Dũng, lớp 7a1, Trường THCS Lương Thế Vinh, thành phố Thái Bình chia sẻ rằng: Em đặc biệt yêu thích cuốn truyện bởi qua đó em hiểu được cuộc sống của trẻ em trong chiến tranh gian khổ. Và em thật sự ấn tượng về những chiếc mũ rơm được nhà thơ Ánh Tuyết đề cập đến giờ đây đã không còn được sử dụng nữa, đó là những chiếc mũ được tết bằng rơm thật dày không chỉ có tác dụng bảo vệ đầu khỏi bom bi của giặc mà còn vô cùng nên thơ khi thơm mùi rơm, mùi nắng và bạn nhỏ nào cũng trông rắn rỏi, “xinh ra trò” trong những chiếc mũ rơm nếp vàng óng ấy.

Nhà thơ Ánh Tuyết tâm sự rằng: Dù đã thử sức với nhiều thể loại thơ văn nhưng bà luôn trăn trở trẻ em ngày nay, đặc biệt là trẻ em thành thị, có lẽ có nhiều thiệt thòi so với lứa tuổi thiếu nhi trước đây. Nhiều em bởi dành thời gian trước màn ảnh nhỏ mà xa lạ với những trò chơi dân gian, không có những buổi rong chơi, nô đùa cùng chúng bạn để hiểu về cuộc sống thiên nhiên thật nhiều sắc màu và bí ẩn thú vị. Giờ đây, các em nhỏ được hưởng cuộc sống ấm no, yên bình, bởi vậy những năm tháng chiến tranh gian khổ của dân tộc đối với các bạn chỉ còn là hình ảnh trong những thước phim đen trắng, đôi khi là qua lời kể của ông bà. Là một người cầm bút, nhà thơ Ánh Tuyết tự nhận thấy rằng mình cũng cần có trách nhiệm trong việc truyền đến thế hệ mai sau tình yêu, lòng tự hào, sự hiểu biết về một thời kỳ cha ông đã lớn lên trong bom đạn, khói lửa của chiến tranh. Cuộc sống khi ấy dù nhiều gian khó nhưng cũng thật thân thương và chan chứa tình người.

Khép lại tập truyện thiếu nhi “Kỳ nghỉ hè của Đức dô”, “Mũ rơm vàng” của nhà thơ Ánh Tuyết, có lẽ không chỉ các bạn nhỏ mà bao độc giả cũng có chung mong ước với tôi, đó là niềm mong ước được sống mãi với những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên bên gia đình thân yêu, bên chúng bạn lúc nào mặt mày, quần áo cũng lấm lem bởi những trò nghịch bùn đất,… Và qua mỗi cuốn truyện thiếu nhi, cơn mưa tuổi thơ ấy lại như một lần nữa tưới mát thêm tâm hồn của những người lớn phần nào đã cằn cỗi bởi những tấp nập, bon chen từ cuộc sống thường ngày…


Cô giáo Vũ Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, thành phố Thái Bình

Bởi Trường THCS Lương Thế Vinh có những tủ sách ở mỗi lớp học và thư viện nên các em học sinh luôn được khuyến khích đọc sách và cùng chia sẻ với nhau những cuốn sách hay. Tuy nhiên, bởi việc học chiếm rất nhiều thời gian nên việc đọc sách chủ yếu diễn ra trong dịp hè hay những giờ ra chơi. Tôi cảm thấy những tập truyện của nhà thơ Ánh Tuyết được các em học sinh yêu thích bởi mỗi câu chuyện có độ dài vừa đủ, phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Viết cho thiếu nhi, tác giả Ánh Tuyết đã trở về với thế giới hồn nhiên, thơ ngây của các em để mỗi câu chuyện đều dung dị, thân thương, và gần gũi.

Em Trần Hoài Minh Anh, Trường THCS Lương Thế Vinh, thành phố Thái Bình

Đọc những tập truyện thiếu nhi của nhà thơ Ánh Tuyết, em cảm thấy những cuốn sách ấy như những tập nhật ký của những đứa trẻ gắn bó với cuộc làng quê, đặc biệt qua tập truyện “Mũ rơm vàng”, em hiểu hơn về những khó khăn trong năm tháng chiến tranh. Tuy nhiên, dù gian khổ nhưng các bạn thiếu nhi khi đó có cuộc sống thật trong trẻo và hồn nhiên với những thú vui bình dị, giản đơn. Em sẽ chia sẻ những mẩu truyện ngắn này với các bạn cùng lớp vì các bạn của em cũng rất thích đọc sách và chúng em thường mang đến tủ sách chung của lớp những tác phẩm văn học hay và cùng thảo luận, rút ra cho mình những bài học qua các tác phẩm ấy.

Em Lại Quang Dũng, Trường THCS Lương Thế Vinh, thành phố Thái Bình

Em rất yêu thích những tác phẩm văn học dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi bởi những tác phẩm ấy như đưa chúng em về với miền thôn quê, về với những năm tháng chiến tranh gian khổ của dân tộc mà chúng em chưa từng trải qua. Em cảm thấy rất nuối tiếc vì giờ đây chúng em ít được tham gia vào các trò chơi dân gian mà qua những tập truyện của nhà thơ Ánh Tuyết, em thấy những trò chơi ấy thật thú vị. Em mong muốn được về quê trong kỳ nghỉ hè để được cùng chăn trâu, xem hát chèo và lắng nghe ông bà kể về những sự tích của làng quê.

Anh Tú