Thứ 6, 29/03/2024, 22:38[GMT+7]

Dân hiến “tấc vàng” Kỳ 3: Minh bạch trong cách làm

Thứ 4, 12/10/2022 | 08:50:16
6,952 lượt xem
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về đất đai là do những vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác bồi thường GPMB. Vì vậy, Thái Bình luôn xác định cần công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và nhà nước trên cơ sở đúng quy định của pháp luật.

Đường Đinh Tiên Hoàng (thành phố Thái Bình) sau nhiều năm vướng mắc về mặt bằng nay đã được khơi thông.

Đặt mình vào vị trí người có đất bị thu hồi

Tại hội nghị đánh giá thực trạng công tác GPMB trên địa bàn tỉnh tổ chức tháng 4/2021, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Bình đề ra mục tiêu phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để đạt được mục tiêu đó, công tác GPMB phải là nhiệm vụ trọng tâm, thiết thân, tự giác, tự nguyện vào cuộc, toàn tâm, toàn ý với công việc. Đây là khâu khó, phức tạp, nhạy cảm, nặng nề, vất vả nhưng chúng ta phải đương đầu, phải đi trước một bước, bắt tay vào giải quyết vấn đề đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, tổ chức, cá nhân, coi đây là một trong những yêu cầu khắt khe, cao nhất của mọi phương án GPMB.

Sau hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 5/7/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa tại khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Công tác GPMB không còn là nhiệm vụ của ủy ban, cán bộ địa chính xã mà là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và mỗi người dân. 

Ông Nguyễn Duy Chinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Vấn đề khó khăn nhất để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng là mức giá bồi thường, hỗ trợ GPMB; vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND tỉnh linh hoạt trong vận dụng cơ chế, chính sách trên cơ sở đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân có đất bị thu hồi.

Thành phố Thái Bình đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình hạ tầng lớn được triển khai, nhất là xây mới, mở rộng các tuyến đường, các khu đô thị. Là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nên “tấc đất” luôn là “tấc vàng”. Bài toán GPMB luôn là thách thức đối với các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định là phải làm tốt công tác đền bù, hỗ trợ GPMB. 

Ông Hoàng Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Phải coi hiệu quả công tác GPMB là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực công tác của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, kiên trì vận động nhân dân, bảo đảm lợi ích của người dân trên cơ sở đúng quy định của pháp luật, từ đó tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định công tác GPMB phải đi trước, nhanh chóng hoàn thành để triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm nhằm khai thác tối đa thời cơ, lợi thế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Chia sẻ về cách làm trong công tác GPMB ở giai đoạn khó khăn vừa qua, ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Trong quá trình GPMB, cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với người dân. Chính nhờ việc đặt mình vào vị trí của người có đất bị thu hồi, vận dụng đúng cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về công tác GPMB, bảo đảm lợi ích của người có đất bị thu hồi nên thành phố đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, từng bước gỡ nhiều nút thắt đã tồn tại hàng chục năm. Các nút thắt giao thông như đường Chu Văn An kéo dài tồn tại hơn 10 năm, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Ngô Quyền gần 10 năm, các dự án phát triển hạ tầng đô thị như bến xe khách phía Tây, đường Kỳ Đồng, các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại... đã từng bước được khơi thông.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và quyết tâm cao của tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng trường hợp cụ thể mà nút thắt giao thông đường Chu Văn An dài hơn 300m tồn tại hơn 10 năm qua đã được khơi thông và khánh thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, tạo trục trung tâm của cửa ngõ thành phố, giảm mật độ giao thông vào khu vực nội thành; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nơi tuyến đường đi qua. 

Ông Phan Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính cho biết: Từ khi điểm nghẽn tại đường Chu Văn An kéo dài được khơi thông, tình hình an ninh khu vực này được bảo đảm, hoạt động kinh doanh, buôn bán của bà con hai bên đường thuận lợi. Kinh tế - xã hội địa phương được cải thiện, đời sống nhân dân được nâng lên.

Tuyến đường trục xã Dân Chủ (Hưng Hà) được đầu tư mở rộng.

Kiên trì nhưng cương quyết

Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà nhận định: Muốn hoàn thành các công trình, dự án đúng tiến độ để thu hút đầu tư, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thì việc đầu tiên là phải có mặt bằng sạch. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hưng Hà xác định là phải làm tốt công tác đền bù, hỗ trợ GPMB. Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Hà đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn huyện trong tình hình mới. Cùng với đó, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện thường xuyên về họp với các thôn, lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân để đề ra phương án kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, phát huy vai trò của chi bộ, các đoàn thể và từng đảng viên vào cuộc một cách thực chất. Lấy tuyên truyền, vận động, giải thích làm chính để GPMB nhưng luôn cương quyết với những hành vi sai trái, cố tình chây ỳ, không phối hợp trong công tác GPMB, ảnh hướng đến lợi ích chung.

Theo ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, đối với các trường hợp chưa đồng thuận, UBND huyện chỉ đạo tập trung tuyên truyền, đối thoại từ cấp cơ sở; hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không tạo điểm nóng gây mất trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, những trường hợp cố tình chây ỳ, không bàn giao mặt bằng, UBND huyện tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm tiến độ chung của dự án.

Ông Bùi Đức Thàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp Tiền Hải cho biết: Dự án tuyến đường bộ ven biển, đường 221A, các dự án khu công nghiệp, đô thị, dân cư... phải thực hiện GPMB đất nông nghiệp và đất ở của hàng nghìn hộ dân tại các xã, thị trấn. Thêm vào đó, nhiều thửa đất có nguồn gốc phức tạp, không ít trường hợp chủ sở hữu nhưng lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Hồ sơ quản lý đất đai không đồng bộ, không rõ ràng, gây khó khăn trong việc thu hồi đất. Ngoài ra, một số hộ dân có đất bị thu hồi kiến nghị bồi thường không đúng quy định; không hợp tác với cán bộ làm công tác GPMB để kiểm đếm tài sản trên đất; không chấp nhận phương án bồi thường GPMB được phê duyệt dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án... Nhưng với sự kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích, hầu hết người dân đều đồng thuận. 4 năm qua, huyện Tiền Hải đã thực hiện GPMB trên 90 dự án, thu hồi trên 300ha đất của gần 3.500 hộ gia đình, cá nhân, số tiền đền bù, hỗ trợ GPMB trên 500 tỷ đồng.

Nhóm phóng viên

(còn nữa)