Chủ nhật, 25/05/2025, 05:31[GMT+7]

Cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn

Thứ 6, 13/07/2012 | 10:32:46
6,147 lượt xem
Cũng như bao cây bồ đề khác, nhưng cây bồ đề ở sau tượng đài chính của Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn lại có một đời sống riêng, được rất nhiều người quan tâm.

Cây Bồ đề ở phía sau Tượng đài Tổ quốc ghi công. Ảnh: HÀ DUNG

Ngay các cán bộ quản trang cũng không biết ai đã trồng cây bồ đề. Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 7 - 2007 đăng bài “Cõi thiêng bất tử” có đoạn viết “Chuyện cây bồ đề không ai trồng, tự nhiên mọc và vùn vụt lớn lên xanh tốt sau tượng đài “Tổ quốc ghi công” thì chắc chắn nhiều người đã biết, cây bồ đề như một Tượng đài xanh của Ðức Phật gieo xuống mảnh đất này, ôm trùm che mát Tượng đài chính của nghĩa trang và tỏa bóng rợp mát một vùng. Nhiều nhà sư đã tìm về đây đọc kinh cầu siêu cho các liệt sĩ dưới bóng cây bồ đề huyền diệu này”.

Ðọc đoạn viết trên, các cựu quân nhân Tiểu đoàn 674 (Ðoàn 559) là những người có mặt ngay từ ngày đầu làm nhiệm vụ san đồi, xây mộ, xây Tượng đài Nghĩa trang Trường Sơn… đã tỏ ra rất bức xúc, một trong số đó có nữ cựu quân nhân Nguyễn Thị Lành ở số nhà 76, tổ 23, phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình, đã gửi thư đến tòa soạn Báo Thái Bình, chị cung cấp thông tin vô cùng quan trọng về chủ nhân trồng cây bồ đề. Tổng Biên tập - Hà Công Toàn lập tức giao cho tôi nhiệm vụ điều tra làm rõ sự thật: Ai là người đã trồng cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn? Người viết bài này, cách đây không lâu đã vào Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và đưa ra câu hỏi về cây bồ đề. Không ít người giải thích sự hiện diện của cây bồ đề từ khía cạnh tâm linh và huyền bí: Khi xây đài “Tổ quốc ghi công” xong  tự nhiên mọc lên cây bồ đề và là nơi trú ngụ của các linh hồn liệt sĩ.

Chúng tôi đã nhờ chị Lành đưa về thôn Ái Quốc, xã Bình Ðịnh, huyện Kiến Xương để gặp chủ nhân đã trồng cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn - đó là cựu quân nhân Phạm Văn Lượng. Anh Lượng đã kể lại khá chi tiết quá trình trồng cây bồ đề như thế nào.

- Sau khi xây đài “Tổ quốc ghi công” xong, Chỉ huy tiểu đoàn thấy cần phải trồng cây gì đó để có bóng mát. Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác, giao cho tôi vào bản tìm cây về trồng. 6 giờ sáng tôi dậy đi bộ vào bản, cách đơn vị khoảng 2 - 3 cây số, trên đường đi cũng chưa biết là nên xin cây gì trồng cho phù hợp? Vào bản hỏi, bà con bảo: nên trồng cây bồ đề ở nghĩa trang, tôi chẳng biết cây bồ đề như thế nào, lại nhờ bà con dẫn đi đánh” cho một cây, có chiều cao khoảng 1 mét; tôi xách cây về đến đơn vị là 10 giờ. Buổi chiều đưa cây ra trồng, Tiểu đoàn trưởng Trác đứng ngắm hồi lâu rồi nói: trồng cây bồ đề sau đài “Tổ quốc ghi công”. Tôi vẫn còn nhớ, đó là ngày chủ nhật, tháng 8, năm 1976. Trời Quảng Trị rất nắng và nước ở đây rất hiếm, phải đi ra suối xa lắm mới gánh được nước về dùng sinh hoạt và tưới cây bồ đề. Sau gần ba năm xây dựng Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, cây bồ đề đã cao khoảng 2,5 mét, đã có bóng mát… Ðơn vị chúng tôi chuyển ra Bắc làm nhiệm vụ xây dựng doanh trại; năm 1981, tôi phục viên về địa phương, với quân hàm thiếu úy.

Nhân chứng quan trọng nhất chúng tôi cần gặp là Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác, ông quê ở thôn Tự Nhiên, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Chúng tôi đã về tận nơi gặp ông, sau khi kể lại việc giao cho Phạm Văn Lượng, là liên lạc viên của tiểu đoàn đi xin cây về trồng và ông Trác khẳng định chính cái địa điểm trồng cây bồ đề ở sau đài “Tổ quốc ghi công” ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn là do ông chọn và chỉ cho anh Lượng đào hố trồng cây. Trong giấy xác nhận đề ngày 23/6/2012, ông Trác cam đoan: “Là một sĩ quan quân đội, là một cựu chiến binh từ chống Pháp đến chống Mỹ, tôi cam đoan cây bồ đề đồng chí Lượng được giao nhiệm vụ trồng và chăm sóc đúng sự thật 100%”. Khi chúng tôi hỏi tại sao các cán bộ quản trang ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn cũng không biết ai trồng và vẫn cho rằng: cây tự nhiên mọc và có tính huyền bí, tâm linh, ông Trác nói:

- Ðơn vị chúng tôi đến “khai sơn, phá thạch” san ủi mặt bằng, xây dựng tượng đài, mộ, trồng cây bồ đề, cây thông đuôi chồn mà Tướng Ðồng Sỹ Nguyên đem từ Tây Nguyên ra… Sau ba năm công việc hoàn tất thì bàn giao lại, việc cán bộ quản trang không biết ai trồng cây bồ đề là đúng, vì khi họ tiếp quản nghĩa trang thì đã có cây bồ đề. Lúc rút quân ra Bắc, chúng tôi đã không nghĩ cây bồ đề nó quan trọng như bây giờ, chỉ nghĩ đơn giản là trồng cây bóng mát nên cũng không đưa cây bồ đề vào danh mục bàn giao.

Nhiều cựu chiến binh của Tiểu đoàn 674 hiện đang sống ở Thành phố, Thái Thụy… đã  ký vào một lá đơn xác nhận đồng chí Phạm Văn Lượng là người trực tiếp trồng và chăm sóc cây bồ đề như: chị Lành, Ngát, Dấn, Kiệm, Liễu, Phượng, anh Minh… Nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 674 - Nguyễn Ðình Nhị, tiếp chúng tôi ngay tại nhà riêng ở xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, cũng khẳng định: cây bồ đề do anh Phạm Văn Lượng, liên lạc Tiểu đoàn, được Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác giao cho đi xin và trực tiếp trồng ở sau đài “Tổ quốc ghi công”. Còn cây thông đuôi chồn mà tướng Ðồng Sỹ Nguyên đem từ Tây Nguyên ra, anh Trác giao cho tôi và một số chiến sĩ của Tiểu đoàn (đều quê ở Thái Bình) trồng ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, cây bồ đề hoàn toàn không phải tự nhiên mọc như mọi người hiểu. Hai lần trở lại Thanh Hóa, nguyên Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác đều đề nghị: Các anh là nhà báo cần nói lên sự thật này và “trả lại tên” cho chủ nhân đã trồng cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.

Qua câu chuyện với Phạm Văn Lượng, chúng tôi được biết: Anh nhập ngũ tháng 8 năm 1973, về phép năm 1977, do bị di chứng chất độc da cam  nên sinh cháu gái đầu đã mất. Sau đó, vợ anh có thai, đi siêu âm vẫn có di chứng  phải bỏ đi. Giám định sức khỏe, anh bị mất 73%; phải chạy chữa, thuốc men khắp nơi… anh chị có thêm 3 cháu gái; hai cháu đã xây dựng gia đình, cháu út năm nay tốt nghiệp Ðại học Hàng Hải (Hải Phòng); anh chị cấy 5 sào ruộng cộng với lương hưu địa phương phụ cấp chất độc da cam… cũng tạm đủ ăn. Chúng tôi đưa bức ảnh chụp Ðài Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và cây bồ đề, anh Lượng lặng đi hồi lâu, trong khóe mắt đã đẫm lệ, lúc sau mới thốt được lên: Cây bồ đề lên cao quá, đài Tổ quốc ghi công cũng xây cao, không nhận ra được. Anh cứ ước ao giá được vào Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn thắp hương cho đồng đội và thăm cây bồ đề thì tốt quá. Nỗi lòng của anh gieo vào tôi như một gánh nặng lớn, tôi thật sự chia sẻ với anh- Người đã trồng cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn cách đây 36 năm.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa

Trần Hiệp Lực - 6 năm trước

Việc các đ/c D674 có trồng cây Bồ đề tại NTLSQG Trường Sơn là sự thật. Nhưng xin thưa với các đ/c. Cây Bồ Đề này nảy mọc ở lưng bức tường mà QĐ ta đã xd ban đầu. Khi trước năm 1995 QĐ ta có trùng tu cải tạo lại thì các đđ đã ko phá bó hết bức tường mà vẫn để cây BĐ lại và cây to lớn xum xuê như ngày nay. Ko tin xin các đđ hãy tìm đọc BÁO NHÂN DÂN HÀNG THÁNG Số THÁNG 7 năm 1995 ở trang áp trang cuối thì biết rõ cây BĐ này bất đầu như thế nào (bài báo có cả ảnh chụp cây BĐ mọc lẻ lưng tường.

Tải thêm