Thứ 4, 24/07/2024, 20:28[GMT+7]

Nghĩa tình lời ca tri ân

Thứ 2, 23/07/2012 | 14:40:14
1,113 lượt xem
Cuộc chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đất nước hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhưng những ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình vẫn không ngừng chảy trong mỗi con người Việt Nam yêu nước.

Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trần Lãm (Thành phố Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

Chiến tranh đã đi qua, nhưng vẫn còn đó nỗi đau thấm sâu vào tận lòng đất, vào da thịt, vào ký ức của mỗi con người. Để hàng năm, cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 sẽ có thêm nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhiều công trình, nhiều việc làm nghĩa tình hơn. Để tháng bảy mãi mãi là tháng của sự đền ơn, đáp nghĩa, là tháng của nghĩa tình...

Trong chiến tranh, những cái tên như Thành Cổ Quảng Trị, căn cứ Củ Chi, ngã ba Đồng Lộc... là những địa danh đã đi vào huyền thoại, vào trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Xin mượn lời của tác giả Tân Huyền để tri ân với những người đã ngã xuống ở Thành Cổ và trên khắp đất nước Việt Nam này để dành lại ấm no hạnh phúc. “Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ... Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ/Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/Cỏ xanh non tơ. cỏ xanh non tơ/Xin chớ vô tình với người hy sinh/Trên mảnh đất quê mình”. Lời bài hát còn mang ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước và hơn thế nữa còn mang thông điệp “Để có được ngày hôm nay sống trong tự do, hòa bình và hạnh phúc đã có không biết bao người ngã xuống. Những cống hiến của các chiến sỹ bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước đã được lịch sử ghi nhận, các thế hệ con cháu luôn ghi nhớ và trân trọng”.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng nhọc nhằn và đau thương trên quê hương vẫn còn đó. Nỗi đau chiến tranh vẫn đang hiện hình qua “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi”. Bom đạn của kẻ thù không trừ bất cứ ai. Chiến trường ác liệt năm xưa đã chứng kiến bao người lính ngã xuống nằm lại với đất mẹ, hóa thân vào dáng hình xứ sở. Trong gang tấc giữa cái chết và sự sống ấy, có những người lính may mắn được trở về nhưng cơ thể cũng mang đầy thương tích. “Vết chân tròn trên cát” như dấu chấm lắng đọng vào lòng của những người đang sống trong độc lập tự do. “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương.../Bài hát có người lính đã hy sinh rất âm thầm/ Cho hôm nay những gót chân son vui quanh vết chân tròn.../”. Bài hát thể hiện sức mạnh kiên cường của những người lính anh hùng. Dù trong hoàn cảnh nào, các anh, các chị cũng không hề thiếu tiếng cười, lời hát và tinh thần lạc quan, yêu đời. Họ là những tấm gương sáng về nghị lực “tàn mà không phế”.

Câu chuyện về ngã ba Đồng Lộc cùng 10 nữ thanh niên xung phong đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc. Hình ảnh hiên ngang, gan dạ của nữ anh hùng đếm bom La Thị Tám, chứng nhân của Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại năm xưa đã đi vào bài hát nổi tiếng “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho. Sự dũng cảm dưới làn mưa bom bão đạn đếm bom, rồi cắm cọc tiêu để đánh dấu cho công binh kịp thời rà phá bom gần 200 ngày của chị mãi là hình ảnh bất tử với quê hương. Dù có nhiều cống hiến trong chiến tranh, nhưng các chị vẫn khiêm tốn nói rằng “Vinh quang, công lao thuộc về tập thể”, khiến bao người cảm phục. Về với đời thường, các chị cũng như bao người  mẹ Việt  Nam anh hùng tiếp tục là dòng suối tắm mát cho đời, là tấm gương rạng ngời cho thế hệ trẻ noi theo.

Tháng bảy, trên trời mây xanh thăm thẳm, ở dưới cánh đồng lúa bát  ngát xanh. Thế hệ trẻ hôm nay chỉ có thể biết đến những năm tháng đau thương của dân tộc qua những thước phim, những câu văn, trang sử. Thật khó để có thể hiểu hết những gian khổ hy sinh thế hệ trước đã đi qua. Không một ai lại có thể quên đi một thời hào hùng của dân tộc, quên đi những hy sinh to lớn của bao lớp người đi trước. Ngắm màu xanh của quê hương để thấy trách nhiệm với người đã anh dũng hy sinh vì hạnh phúc của dân tộc, trách nhiệm với người đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường và trách nhiệm với một khoảng trống lớn về tình cảm của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con thiếu bóng cha cần phải được làm tốt hơn, chu đáo hơn nữa, nhiều hơn nữa mới xứng đáng với người đã hy sinh. Đó cũng là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Tháng bảy cũng là tháng ước mơ, tháng xây đắp hoài bão của tuổi trẻ. Và khi bước chân lên những chuyến tàu chở niềm mơ ước, thế hệ trẻ của đất nước sẽ luôn cất lên những lời ca đi cùng năm tháng và nghiêng mình tưởng nhớ tri ân những người đã ngã xuống cho quê hương, cho ước mơ của hôm nay được bay cao, bay xa mãi mãi.

Ngọc Hân

  • Từ khóa